Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Ðoàn

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự

Sáng 16-9, tại Hà Nội, Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Quốc hội (QH), Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Ðoàn (19-9-1889 - 19-9-2019).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN)

Ðến dự, có Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; các đồng chí nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: cụ Bùi Bằng Ðoàn là chí sĩ với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một trong những tấm gương nhân sĩ, trí thức Việt Nam tiêu biểu, từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng, dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Bùi Bằng Ðoàn đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Tháng 11-1946, cụ được QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ hai tín nhiệm, bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực QH. Thời gian này, cụ Bùi Bằng Ðoàn và Ban Thường trực QH đã kết nối, động viên quần chúng nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Ðồng thời, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, cụ Bùi Bằng Ðoàn đã có những đóng góp quan trọng vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ, thực hiện các chính sách sản xuất tiết kiệm, thuế nông nghiệp, ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý với QH và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cụ Bùi Bằng Ðoàn lâm bệnh nặng. Ðược tin cụ ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đưa cụ vào vùng tự do Thanh Hóa để điều trị. Trong thời gian này, cụ vẫn thường xuyên gửi thư góp ý với T.Ư, Chính phủ, luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của T.Ư và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, cụ Bùi Bằng Ðoàn được T.Ư đón về ở tại nhà số 10 phố Trần Hưng Ðạo, gần Bệnh viện Quân đội 108 để tiện chữa bệnh. Từ khi cụ chuyển về Hà Nội, Bác Hồ thường xuyên đến thăm cụ. Ngày 13-4-1955, Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Ðoàn từ trần. Ðồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Cụ Bùi Bằng Ðoàn là tấm gương yêu nước, thương dân, tận tụy với công việc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Trên bất cứ cương vị nào, cụ đều tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Ðoàn là dịp cả nước tri ân, tưởng nhớ những công lao, cống hiến to lớn của cụ với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Sự liêm khiết, chính trực và những cống hiến to lớn mà cụ Bùi Bằng Ðoàn để lại cho QH và sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc sẽ mãi được khắc ghi.

Chủ tịch QH đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn noi gương Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Ðoàn, trong mọi hoạt động, trên từng cương vị công tác đều phải đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, nhân dân và của Ðảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước, vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc.