Kiên trung tuổi trẻ Trường Sa

NDO -

NDĐT - Trước khi bước chân lên hòn đảo đầu tiên của Quần đảo Trường Sa, tôi vẫn thường tự hỏi, điều gì đã làm nên sự đặc sắc trong suốt bốn mùa ở Trường Sa? Khi tiếp xúc với các chiến sĩ, quyện với cảnh, thân với con người, tôi nhận về câu trả lời: Sức người, sự kiên trung hy sinh và những loài hoa khoe sắc. Hoa thể hiện nét đẹp con người. Sắc hoa ở Trường Sa tượng trưng cho tình yêu cuộc sống, sự bền bỉ của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đất trời.

Chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn chăm sóc hoa phong lan.
Chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn chăm sóc hoa phong lan.

Vẻ đẹp của lòng kiên trung và các loài hoa

Cũng như trong đất liền, ở Trường Sa (Khánh Hòa) thời điểm này quân và dân đang phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trước đó, những chuyến hàng ra khơi, góp phần làm nên sự ấm áp nơi hải đảo. Chúng tôi thăm các chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây và nhận ra mùa thu nơi đây vừa lạ vừa quen. Quen là bởi nơi hải đảo xa xôi vẫn bắt gặp những hình ảnh thân thuộc chốn quê nhà. Những cánh chim biển, những chậu hoa sứ, hoa giấy.

Cảm giác thân quen còn bởi những món quà mang đậm tình cảm do đất liền gửi theo những con tàu ra đảo, như người mẹ tảo tần thương đứa con xa vất vả. Lạ là bởi mùa thu cũng như mùa hè. Trời biển xanh ngắt một màu, gió lộng bốn bề và nắng vàng rực rỡ. Từng đàn hải âu vờn sóng gọi nhau tha thiết. Trên những hòn đảo khô cằn, mặn chát hơi muối, song sức sống vẫn vươn mình mạnh mẽ.

Một điều nữa khiến tôi ấn tượng là bởi ở nơi quanh năm nắng gió khắc nghiệt, nhưng mùa nào vẫn bừng sắc, vẫn hiện diện những bông hoa thắm, với nhiều loài hoa như phong ba, bàng buông, bão táp, muống biển, rồi hoa sứ, hoa phong lan, hoa xương rồng… nhưng đều chung một thông điệp: đẹp và dâng hương sắc cho đời. Đẹp từ việc các chiến sĩ ngoài thực thi nhiệm vụ, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu còn tăng gia sản xuất, trồng hoa để làm phong phú đời sống. Ở đâu có hoa thì ở đó có sắc hương. Nơi nào gian khó nơi đó có thanh niên. Các chiến sĩ là những bông hoa tươi thắm và quật cường, anh dũng nhất nơi đầu sóng ngọn gió.

Bởi vì, từ các đảo chìm, đảo nổi, tôi đều thấy sự hiện diện của những gương mặt trẻ, những người làm việc cật lực, mặt mũi nhám mồ hôi, vai áo ướt đầm đìa, nhưng vẫn nở nụ cười tươi rói, hồn hậu thân thương. Mỗi khi có khách đến thăm, chính những người lính lại đứng đón đoàn, rồi lại lỉnh kỉnh chuyển đồ. Rồi cũng vẫn những người lính ấy lại tận tình tiếp khách, hát vang những bài ca giao lưu với các bạn trẻ, những vị khách đến với Trường Sa, nhận người đồng hương, hỏi han người cùng họ, cùng tên. Thật thân thương, gần gũi.

Món ăn tinh thần độc đáo

Với chiến sĩ ngoài hải đảo, báo tường cũng là một trong những món ăn tinh thần tuyệt vời. Cứ vào những ngày kỷ niệm, như: Ngày thành lập Đoàn 26-3; Ngày Quốc khánh 2-9; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12; dịp Tết Nguyên đán…, các chiến sĩ nơi đảo xa lại sôi nổi làm báo tường.

Theo Thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B, anh em chiến sĩ đều có những tâm tư, tình cảm cần được viết vào nhật ký, trong đó chép những bài thơ, tản văn, tùy bút “cây nhà lá vườn”. Khi cần tập trung làm báo tường, chỉ cần thông báo là mọi người rất hăng hái, nhiệt tình bắt tay vào nộp bài và làm báo.

Hỏi chuyện nhiều chiến sĩ, ngoài giờ trực, làm việc, thì đọc sách, ngâm thơ, chơi đàn cũng là một trong những nhu cầu thường ngày. Nhiều người có năng khiếu thơ văn, sẵn sàng góp mặt những tác phẩm giàu cảm xúc. Trung sĩ Trần Anh Pháp (đảo Cô Lin) cho biết, anh làm thơ, anh vẽ tranh, trình bày giỏi, mỗi người một năng khiếu sẽ tạo sinh khí cho tờ báo tường. Còn Thiếu úy Lưu Xuân Thắng, công tác ở đảo Song Tử Tây, bày tỏ: “Khi có nguyên liệu, phần còn lại là trình bày. Chúng em tranh thủ làm, nhanh thì ba buổi tối, chậm thì vừa vẽ trang trí nữa là khoảng gần một tuần”.

Nhưng để có giấy cỡ to, các chiến sĩ phải “đánh tiếng” từ vài tháng trước, khi có tàu ra tiếp tế thì chuyển ra cùng hàng. Trên cơ sở các chủ đề, từng đảo sẽ lựa chọn các bài viết phù hợp chép lên. Ở mỗi đảo chúng tôi đến thăm, “mục sở thị” các ấn phẩm báo tường đặc sắc, đẹp cả về nội dung lẫn cách trình bày và đều đậm chất lính đảo. Như đảo Song Tử Tây có nhiều tờ được làm trong các năm, với tên “Mừng Đảng mừng Xuân”, “Xung kích”; đảo Trường Sa có tờ “Tiếp bước”, Trường Sa Đông có tờ “Xung kích”, Đá Tây B với tờ “Dâng Đảng”...

Thiếu tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ, báo tường là tâm huyết, món ăn tinh thần không thể thiếu của các chiến sĩ trẻ. Để có một tờ báo, dù giản dị như vậy, nhưng ở đảo, việc in ấn khó khăn. Bình thường, các số báo được lập theo chủ đề. Tiêu đề và phần trang trí của báo được in trước từ trong đất liền rồi được chuyển ra. Bây giờ một số tờ anh em chiến sĩ ngoài đảo gửi bài vở về trong đất liền, để các chiến sĩ trình bày, in ấn rồi gửi ra. Mỗi số báo tường tập trung cổ vũ, tuyên dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào tuổi trẻ xung kích. Từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo sống lạc quan, yêu đời, đoàn kết, sẵn sàng, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Thắm tình quân dân

Rất nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa là lính trẻ. Tuổi trẻ thì năng động, sáng tạo, thích văn nghệ. Dịp khách đến thăm là dịp để nhiều “cây” văn nghệ trổ tài đàn hát, cùng người dân trên đảo tổ chức gói bánh chưng. Các em nhỏ sinh sống trên đảo cũng sẵn sàng hát giao lưu với khách, với chất giọng ngộ nghĩnh, nhưng rất yêu đời, yêu biển đảo quê hương.

Ở các đảo có người dân như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn… tình cảm quân dân thắm thiết, chung tay thực hiện nhiệm vụ cũng khiến người đến thăm ấm lòng, tin tưởng. Thăm các hòn đảo xinh đẹp, kiên cường giữa sóng nước, tôi còn được biết, ngoài tận tình cứu chữa, điều trị cho các ngư dân mắc bệnh, không may bị tai nạn, cấp nước sạch và thuốc men cho họ, thì những âu tàu trên quần đảo Trường Sa còn là nơi tránh trú bão gió, sửa chữa tàu thuyền giúp bà con ngư dân mỗi khi hỏng hóc.

Vào tháng 11-2016, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã giao Hải đoàn 129 Hải quân đưa vào vận hành và khai thác, quản lý âu tàu tại đảo Sinh Tồn và hai làng chài tại đảo Núi Le và Tốc Tan. Đây là những tiền tiêu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi.

Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn giờ thật khang trang. Thượng úy Trần Huy Thái, Phó Chỉ huy trưởng, phụ trách âu tàu, cho biết, Trung tâm đã sửa chữa miễn phí cho hơn 40 thuyền, trong đó 11 chiếc phải sửa chữa lớn. Cách đây không lâu, một thuyền của ngư dân bị hỏng nặng, phải kéo về bờ mới sửa để đi lại được. Nhưng nhờ Trung tâm xử lý tạm, đỡ được khoảng 300 triệu đồng tiền kéo vào vờ. Nhờ thế, tình cảm bà con ngư dân dành cho các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ ở âu tàu cũng thật đáng quý.

Đến từ Bình Định, ngư dân Nguyễn Phước Khải vui vẻ cho biết, có lần tàu cá của anh bị gãy trục chân vịt, anh em trên tàu vô cùng lo lắng. May thay, khi vào âu tàu, tàu của anh đã thay được. Phải nói là những chuyến đi biển có khi kéo dài cả tháng, đầu tư rất lớn, trong khi đánh bắt mà bị hỏng tàu, phải quay vào bờ thì sẽ bị lỗ nặng. Thêm nữa, ngư dân đánh bắt mùa nắng rất yên tâm vì không còn sợ thiếu nước ngọt, có thể mua dầu và thức ăn ngay ngoài biển.

Tại đảo Song Tử Tây, nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi cũng được “gặp” âu tàu rộng 4ha đủ sức chứa hàng trăm tàu thuyền. Lòng rộn niềm vui, Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho hay, quân và dân xã đảo Song Tử Tây không chỉ vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà còn là chỗ dựa và điểm tựa cho ngư dân vươn khơi. Vượt lên những khó khăn, quân và dân xã đảo đã chủ động, tích cực chuẩn bị tìm kiếm người gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền, góp phần giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho ngư dân.

Người lính đảo nhớ quê hương, nhưng cũng thiết tha, ấm lòng trong sự đùm bọc chia sẻ của tình quân dân, tình đồng đội và tình cảm của bà con ở đất liền theo những chuyến tàu. Nhiều tấm gương chiến sĩ trẻ tình nguyện làm nhiệm vụ. Dù nhớ cha mẹ, đất liền, nhưng nỗi nhớ ấy biến thành sức mạnh. Dường như ở nơi ngàn khơi ấy không có sự tính toán thiệt hơn, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng. Đức hy sinh ấy góp phần làm nên sức sống cho đảo, biển và sự trường tồn của dân tộc.

Kiên trung tuổi trẻ Trường Sa ảnh 1

Giao lưu văn nghệ.

Kiên trung tuổi trẻ Trường Sa ảnh 2

Làm báo tường trên đảo Song Tử Tây.

Kiên trung tuổi trẻ Trường Sa ảnh 3

Nụ cười tuổi trẻ góp phần làm nên nghị lực và sức sống ở Trường Sa.