Không ngừng quan tâm, coi trọng an sinh xã hội

Trong phần phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII, bên cạnh những giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ an sinh xã hội. Đó là, cần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Đây chính là một đặc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Chúng ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận về tiến bộ trong phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội vẫn còn hạn chế như: tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, công tác dạy nghề cho người nghèo, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đầy đủ. Chính sách xã hội đối với người lao động còn chưa được chú trọng đúng mức. Tại nhiều địa phương, nguồn lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa thật sự gắn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, các cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài viết. Cần xác định nhiệm vụ quan tâm toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là một trong các mục tiêu của sự phát triển bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xã hội, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Tập trung vào các nhóm chính sách cơ bản nhất: ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách việc làm, dạy nghề; chính sách giảm nghèo; chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

VŨ VĂN HÙNG

(Khu Nhân Cầu 1, thị trấn Hưng Hà,

tỉnh Thái Bình)