Khẳng định cam kết chung với chủ nghĩa đa phương

Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương, ứng phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 75 thu hút sự quan tâm và theo dõi rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Hơn 170 lãnh đạo cấp cao các nước đã gửi thông điệp đến phiên thảo luận này.

Các nước chia sẻ về tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19; khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò của LHQ, tăng cường đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, ứng phó hiệu quả các thách thức toàn cầu. Các nước khẳng định Hiến chương LHQ tiếp tục là nền tảng quan trọng nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, phát triển và tiến bộ. Nhiều nước cho rằng, cần cải tổ mạnh mẽ các cơ chế quản trị toàn cầu, trong đó có LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), để có thể xử lý những thách thức, đáp ứng sự trông đợi của người dân trên thế giới.

* Tại phiên họp cấp cao của HĐBA ngày 24-9 với chủ đề “Quản trị toàn cầu giai đoạn sau Covid-19 và hòa bình, an ninh quốc tế”, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi thế giới thực hiện quản trị toàn cầu thời hậu Covid-19 dựa trên sự đoàn kết và chủ nghĩa đa phương. Lãnh đạo LHQ nhấn mạnh, thế giới rất cần các thể chế đa phương có thể hành động một cách quyết đoán dựa trên sự đồng thuận và vì lợi ích chung; quản trị toàn cầu cần được cải thiện dựa trên sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và lý tưởng chung được nêu trong Hiến chương LHQ. 

* Ngày 24-9, phát biểu khai mạc phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về vấn đề khí hậu, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu. Theo nhà lãnh đạo LHQ, Trái đất đang ấm lên ở mức báo động và khí thải nhà kính khiến thế giới đối mặt ngày càng nhiều thách thức, từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ, đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế. Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết với thế giới là bảo đảm phục hồi bền vững sau đại dịch và ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.