Kêu gọi cung cấp thông tin 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt ở Bắc Kạn

NDO -

NDĐT - Việc khai quật lại vị trí an táng ban đầu của chín ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong ở thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) nhưng không tìm thấy hài cốt đã khiến việc tìm ra hài cốt của những liệt sĩ này rơi vào bế tắc. Đã gần nửa năm trôi qua, hiện tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa thể xác định được ai hay đơn vị nào đã cất bốc những ngôi mộ liệt sĩ này.

Nhiều di vật được tìm thấy tại vị trí chôn cất ban đầu ở thôn Quan Làng.
Nhiều di vật được tìm thấy tại vị trí chôn cất ban đầu ở thôn Quan Làng.

Trước đó, từ tháng 12-2019, Nhân Dân điện tử đã thông tin, 13 thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92 hy sinh khi tham gia chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân, cứu vớt đồng đội hy sinh vào năm 1968 khi đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ. Sau hai lần quy tập, hiện phần mộ của 13 thanh niên xung phong này được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Qua rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, theo sơ đồ mộ tại khu C, có hai hàng mộ với 14 mộ liệt sĩ TNXP được quy tập về an táng nhưng chưa xác định được thông tin, trong đó có 13 mộ liệt sĩ TNXP thuộc đơn vị C933, N92. Ngày 23-10-2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã mời nhân thân của các liệt sĩ đến chứng kiến việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ nhằm xác định danh tính tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên, sau khi khai quật, 13 ngôi mộ không có hài cốt mà chỉ có túi nilon chứa đất, đá.

Để xác minh, Bắc Kạn đã thành lập tổ công tác tìm lại hồ sơ nhằm mục tiêu tìm ra ai, đơn vị nào là người cất bốc những ngôi mộ này. Theo ông Tống Văn Minh, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, Chợ Mới, là người trực tiếp tham gia tìm kiếm, chôn cất các liệt sĩ, vẽ lại sơ đồ mộ chí, ai đã thực hiện và cất bốc vào thời điểm nào thì chính quyền và nhân dân trong xã lại không hay, kể cả một số mộ do thân nhân tự cất bốc cũng không rõ thực hiện vào lúc nào.

Thông thường, việc cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ đều do các đơn vị quân đội thực hiện. Tuy nhiên, tra cứu lại hồ sơ ở huyện Bạch Thông và cả tỉnh Thái Nguyên đều không tìm được bất cứ tư liệu gì liên quan việc cất bốc 13 mộ liệt sĩ này. Đại tá Lã Văn Hào, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn cho biết, chúng tôi đã tìm kiếm rất cẩn thận nhưng không có tài liệu nào về việc triển khai cất bốc những ngôi mộ này vào năm 1979-1980, chỉ tìm được bốn nhân chứng tham gia cất bốc 13 mộ liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới. Những nhân chứng này khẳng định, việc di chuyển mộ từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới thực hiện cẩn thận, có sao chuyển vậy.

Vì những lý do này, tỉnh Bắc Kạn nhận định, nhiều khả năng hài cốt của các liệt sĩ vẫn nằm tại vị trí chôn cất ban đầu tại thôn Quan Làng. Đặc biệt, trong số đó đã có ba ngôi được gia đình thân nhân tự cất bốc đều khẳng định là có hài cốt. Theo sơ đồ được các nhân chứng cung cấp, tại đây có 13 mộ, tuy nhiên qua xác minh thì chỉ có 12 mộ vì một liệt sĩ đã được thân nhân đưa đi an táng ngay sau khi tìm thấy thi thể do lũ cuốn và cùng với ba mộ đã được thân nhân tự cất bốc, thì tại đồi Nà Coóc chỉ còn chín mộ.

Ngày 28-5, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật lại chín ngôi mộ tại vị trí an táng ban đầu ở thôn Quan Làng. Tuy nhiên, kết quả khai quật chỉ tìm thấy một số hiện vật, như: lược chải tóc, bút, tiền xu, dây chuyền, bát sắt... nhưng không thấy hài cốt. Theo các thành viên của tổ công tác tỉnh, những hiện vật này chắc chắn là của các liệt sĩ vì chỉ giai đoạn những năm 1968 mới có những hiện vật có hình thức như vậy. Đồng thời, dựa theo những dấu hiệu nhìn thấy sau khai quật trong sáng 28-5, như: đinh đóng áo quan được xếp gọn một góc mộ, mộ được lấp nông… có thể khẳng định, chín ngôi mộ tại đồi Nà Coóc đã được cất bốc đi từ lâu.

Không tìm thấy hài cốt tại vị trí chôn cất ban đầu đã gây ra nỗi hẫng hụt, thất vọng cho thân nhân các liệt sĩ trực tiếp chứng kiến việc khai quật lại. Tuy nhiên, các gia đình thân nhân đều không có ý kiến thắc mắc và cảm ơn cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm, phần nào an ủi, động viên các gia đình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, không tìm thấy hài cốt tại vị trí chôn cất ban đầu đã khiến việc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Chúng tôi đề nghị, kêu gọi những ai đã tham gia hoặc là nhân chứng chứng kiến việc cất bốc tại vị trí an táng lần đầu để đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn cung cấp thông tin cho tỉnh. Bởi lẽ, đây là trách nhiệm nặng nề, tri ân những thanh niên xung phong đã hy sinh vì đất nước.

Danh sách chín mộ liệt sĩ tại vị trí chôn cất ban đầu ở thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, Chợ Mới, Bắc Kạn

1. Liệt sĩ Trần Thị Hoa (tìm thấy di vật: bát sắt, nilon màu xanh).

2. Liệt sĩ Hoàng Thị Nhèn (tìm thấy di vật: nilon màu xanh, đôi dép nhựa nữ quai hậu, một cúc áo nhựa).

3. Liệt sĩ Phạm Thị Chiên (tìm thấy di vật: bát sắt hoa, một bàn chải đánh răng hiệu Thủ đô, chóp mũ cối, vành mũ cối màu trắng, một túi nhựa màu nâu, khuy quai mũ cối bằng nhôm).

4. Liệt sĩ Nguyễn Thị Thong (tìm thấy di vật: bát sắt hoa, nilon màu xanh).

5. Liệt sĩ Địch Xuân Dong (tìm thấy di vật: một bát sắt hoa).

6. Liệt sĩ Hà Thị Sằm (tìm thấy di vật: một lọ mực, một lược chải tóc bằng sừng, hai bút máy Trường Sơn, một bàn chải đánh răng hiệu Thủ đô, một đồng tiền xu, năm cúc áo màu xanh, một bát sắt hoa, hai gương soi, một dây kim loại có đính thanh sắt lấy ráy tai, một lọ đựng thuốc nhỏ).

7. Liệt sĩ Trương Thị Len (tìm thấy di vật: một bát sắt hoa, một mảnh nilon màu xanh).

8. Liệt sĩ Trần Văn Nhạn (tìm thấy di vật: một bát sắt hoa, một đinh sắt đã gỉ, một dây lưng nhựa, hai quai dép cao-su màu đen).

9. Liệt sĩ Đồng Thị Sâm (tìm thấy di vật: một bát sắt hoa).

* Khai quật khu vực an táng ban đầu 13 liệt sĩ ở Bắc Kạn

* Bắc Kạn sẽ lập Tổ công tác làm rõ vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt

* Yêu cầu báo cáo vụ 13 mộ thanh niên xung phong không có hài cốt ở Bắc Kạn

* Bắc Kạn làm rõ vụ 13 mộ thanh niên xung phong không có hài cốt