Chuyện Pháp luật

Hướng đến mô hình “Tòa án điện tử”

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án được Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Châu Đốc (nay là TP Châu Đốc), tỉnh An Giang triển khai từ năm 2003 đã giúp cho công tác quản lý, điều hành khoa học và hiệu quả, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thẩm phán, thư ký trong thao tác nghiệp vụ.

Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác năm 2021 ngành tòa án mới đây tại Hà Nội, Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng cho biết: Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của TAND thành phố Châu Ðốc được lãnh đạo TAND tỉnh An Giang triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Theo đó, phần mềm VNPT - ioffice (do Tập đoàn VNPT sản xuất) là hệ thống phần mềm sử dụng công nghệ điện toán đám mây - công nghệ tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay, bảo đảm kết nối liên thông văn bản giữa tòa án cấp tỉnh và cấp huyện. Ðược lưu trữ tại hệ thống trung tâm dữ liệu của tập đoàn, dữ liệu được bảo mật cao. Mặt khác, khi triển khai phần mềm, hầu hết các văn bản không mang tính bảo mật của cơ quan đều được chuyển dưới dạng văn bản điện tử, giúp tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm nguồn nhân lực khai thác, vận hành hệ thống máy chủ, quản lý, khai thác hệ thống... Phần mềm cho phép cấu hình đa quy trình, phân công, phân quyền sử dụng đến từng cá nhân một cách khoa học, hợp lý; cho phép thiết lập người sử dụng với nhiều vai trò khác nhau; liên thông văn bản từ khi tòa án tỉnh tiếp nhận xuống các phòng, tòa và tòa án cấp huyện; giám sát quy trình luân chuyển văn bản. Các chức năng phần mềm phong phú, đơn giản, dễ sử dụng, tích hợp chức năng điều hành, quản lý lịch họp và lịch công tác của từng cá nhân, đơn vị… Vì vậy, đã giúp đơn vị hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ.

Với phần mềm VNPT-ioffice đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc chuyên nghiệp và năng động hơn, lưu trữ, tiếp cận, tra cứu văn bản trong hệ thống một cách khoa học, nhanh chóng, chính xác, thuận tiện và có thể chia sẻ các dữ liệu qua mạng (như các báo cáo, văn bản pháp luật mới…). Ðồng thời, lãnh đạo cơ quan kiểm soát công việc của từng phòng, tòa; từng cá nhân kể cả tòa án cấp huyện và chỉ đạo kịp thời. Việc thực hiện phương thức mới cũng giúp thay đổi phong cách làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính và từng bước thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức.

Những giải pháp nêu trên đã đưa vào thực hiện trong nhiều năm của TAND hai cấp tỉnh An Giang. Lãnh đạo TAND tỉnh cho rằng, bước đầu thực hiện, gặp không ít khó khăn, vướng mắc vì điều kiện cơ sở vật chất, chậm thay đổi nhận thức trong một bộ phận thẩm phán, thư ký. Tuy nhiên với quyết tâm của tập thể lãnh đạo và nhất là với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị, ngành tại địa phương đã thực hiện thành công bước đầu, mang tính tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay tất cả 251 cán bộ, công chức TAND hai cấp trong tỉnh đều ứng dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung và yêu cầu chính trị của địa phương.

Thế nhưng, những kết quả đạt được về ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn tại TAND hai cấp vẫn chưa thật sự đáp ứng hoàn toàn yêu cầu cải cách tư pháp. Ðể tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện "gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân"; để tòa án có thể trở thành "Tòa án điện tử", việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác của tòa án. Ðây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của TAND hai cấp tỉnh An Giang trong thời gian tới. Lãnh đạo TAND tỉnh An Giang cho biết, việc triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn giúp hạn chế đến mức thấp nhất lượng án tồn quá hạn luật định, kiểm soát được số lượng án đang được phân công của từng thẩm phán, thời gian thụ lý giải quyết vụ án, án tạm đình chỉ, án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo… bảo đảm không vi phạm tố tụng.

Thời gian tới, từ kinh nghiệm của TAND thị xã Châu Ðốc (An Giang) và một số địa phương, lãnh đạo TAND tối cao cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp sẽ tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của tòa án như: nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; nghiên cứu, xây dựng phần mềm phân công án ngẫu nhiên; phần mềm chuyển giọng nói tại phiên tòa thành văn bản; xây dựng mới 66 trang thông tin điện tử; xây dựng hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án bằng phương tiện điện tử... Thực hiện công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp, công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án.

Trong năm 2020, TAND tối cao công bố 10 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố là 39 án lệ; tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với 14 dự thảo án lệ; nghiên cứu xây dựng ba cuốn “Án lệ và Bình luận” và vận hành có hiệu quả trang tin điện tử về án lệ với nhiều nội dung phong phú. Đến nay công bố hơn 600 nghìn bản án, quyết định với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án hơn 22 triệu lượt và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định…

(Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 - 2020 của TAND tối cao)