Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 70 năm truyền thống

NDO -

NDĐT - Ngày 14-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 70 năm truyền thống (1949 - 2019). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. (ẢNH: DUY LINH)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. (ẢNH: DUY LINH)

Cùng dự, có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư, các tỉnh ủy, thành ủy, các học viện trong cả nước; các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ của Học viện và đông đảo học viên đang học tập tại Học viện. Về các đại biểu quốc tế, có đồng chí Thong-xạ-lít Măng-nò-mếch, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào; các đại sứ, trưởng đại diện, đại biện, tham tán công sứ các nước có quan hệ hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ôn lại truyền thống vẻ vang của Học viện 70 năm qua, nêu bật những kết quả trong quá trình đổi mới dạy và học, nghiên cứu khoa học, những kinh nghiệm quý, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 70 năm truyền thống ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đọc Diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của Học viện. (ẢNH: DUY LINH)

Đồng chí nêu rõ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của nhiệm vụ cách mạng trong các thời kỳ. Trong những năm đổi mới, kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần làm rõ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; bổ sung phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức, bộ máy của Học viện ngày càng được kiện toàn theo hướng hệ thống, đồng bộ, bảo đảm dân chủ, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các thế hệ cán bộ của Học viện luôn để lại hình ảnh trong sáng về người đảng viên, cán bộ, người thầy giáo, cô giáo của trường Đảng,… Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nâng cao nhận thức đầy đủ sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của Học viện - trường Đảng cao cấp của Trung ương; về kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vững vàng về chính trị, chuyên môn, đoàn kết thống nhất, có phong cách, lề lối làm việc khoa học, mang bản sắc văn hóa của trường Đảng...

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đánh giá cao đóng góp của Học viện. Đồng chí nhấn mạnh, 70 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội. Đội ngũ cán bộ của Học viện luôn vững vàng về chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Học viện liên tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ và thách thức để phát triển.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, Học viện cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và sớm có giải pháp khắc phục. Đó là việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng mới là bước đầu, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trong nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc học tập nâng cao tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý với rèn luyện đạo đức cách mạng. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có nhiều công trình lớn xứng tầm vai trò, vị trí của trường Đảng, để đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng. Hiệu quả hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín còn mỏng, chưa ngang tầm nhiệm vụ của Trường Đảng Trung ương, còn có những hụt hẫng về các thế hệ cán bộ. Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở các Học viện khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin chưa kết nối với hệ thống các trường chính trị trong cả nước. Đồng chí cho rằng cần có một chiến lược phát triển Học viện trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ nhiều điều với cán bộ, giảng viên và học viên Học viện.

Trước hết, Học viện cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội. Xác định rõ đối tượng đào tạo, tránh chạy theo số lượng; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên khác nhau. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng thiết thực, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên,...

Thứ hai, Học viện cần đầu tư nhiều công sức và nguồn lực hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục chính trị và tư vấn chính sách. Tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề rất mới cần được nghiên cứu, giải đáp. Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận. Hiện nay, Trung ương đang triển khai xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng với mong muốn tiếp thu được ý kiến, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà khoa học. Với đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đông đảo, tài năng, rất tâm huyết và có trách nhiệm, Học viện phải đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc chuẩn bị nội dung các văn kiện hết sức quan trọng này.

Thứ ba, để thực hiện thật tốt hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, cần quan tâm xây dựng, phát triển toàn diện Học viện. Đầu tiên vẫn là công tác cán bộ. Cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm và am hiểu thực tiễn. Để khắc phục tình trạng hụt hẫng giữa các thế hệ giảng viên, Học viện cần có chiến lược lâu dài để đào tạo cán bộ trẻ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt là chăm lo xây dựng Đảng bộ Học viện thật sự là một đảng bộ gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Học viện cần phải đi đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Học viện phải phấn đấu trở thành một trường học hiện đại, bản sắc và hội nhập. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và những nguồn lực đầu tư xứng đáng cho Học viện để hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin xứng tầm một trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, triển khai các mô hình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại, là đầu mối kết nối hiệu quả hệ thống các trường chính trị, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Phải hết sức giữ gìn những chuẩn mực văn hoá Trường Đảng, đồng thời, Học viện cũng cần chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến.

Thứ tư, đối với học viên, càng vinh dự và tự hào được học tập dưới mái trường cao cấp nhất của Đảng bao nhiêu, các đồng chí càng phải ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Đây là cơ hội lớn để các đồng chí nâng cao trình độ, năng lực công tác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng. Các đồng chí cần học tập nghiêm túc, với tinh thần say mê, trách nhiệm cao; thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; tăng cường quá trình tự học, tự nghiên cứu; tích cực rèn luyện tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, các đồng chí cần có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành kỷ cương học đường, thực hành tác phong, lối sống gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, gần dân để xứng đáng là học viên của Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,...

* Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh