Hoạt động đối ngoại

Trong khuôn khổ tham dự Ðại hội đồng Liên Nghị viện thế giới (IPU-141) tại Xéc-bi-a, đồng chí TÒNG THỊ PHÓNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã tham dự Phiên họp toàn thể Ðại hội đồng IPU-141 với chủ đề "Tăng cường luật pháp quốc tế: Vai trò và cơ chế tổ chức của nghị viện, sự đóng góp của hợp tác khu vực" và có bài phát biểu về chủ đề này vào chiều 15-10 theo giờ địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh chủ đề của Ðại hội đồng IPU lần này, nêu cao quyết tâm và hành động của IPU tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đề cao chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và các nguyên tắc chung trong quan hệ quốc tế; quan tâm sâu sắc đến việc giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các hiệp định và công ước chung giữa các nước; tuân thủ đúng các quy định tại các điều ước quốc tế có giá trị phổ quát như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa đa phương, đối thoại công bằng và bình đẳng, giải quyết những vấn đề toàn cầu, xung đột khu vực, hòa bình an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực. Ðể tăng cường tôn trọng luật pháp quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu một số kiến nghị tại Phiên họp toàn thể Ðại hội đồng IPU-141 (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

* Bên lề IPU-141, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU G.Ba-rôn. Ðồng chí Tòng Thị Phóng chúc mừng IPU kỷ niệm 130 năm thành lập và phát triển, thể hiện sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa đa phương, sự phát triển của ngoại giao nghị viện, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì tương lai chung của nhân loại. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mời Chủ tịch IPU thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Quốc tế về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số dự kiến tổ chức vào năm 2020.

Chủ tịch IPU cảm ơn và đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết và chương trình hành động của IPU. Chủ tịch IPU mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực về những thành công trong việc triển khai các chương trình hành động để đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm bình đẳng giới.

* Tại cuộc tiếp xúc với Phó Chủ tịch Quốc hội Cu-ba A.Ma-cha-đô, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã có những bước phát triển mới và đã thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước. Thời gian tới, hai bên cần tập trung tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát cũng như tăng cường vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị, hoạt động ngoại giao nghị viện và hợp tác tại các diễn đàn nghị viện quốc tế đa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chia sẻ với Phó Chủ tịch Quốc hội A.Ma-cha-đô về những khó khăn, thách thức mà Cu-ba đang phải đối mặt, khẳng định Việt Nam ủng hộ lập trường chính nghĩa của Cu-ba trong sự nghiệp đấu tranh nhằm xóa bỏ bao vây cấm vận.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Cu-ba cho biết Quốc hội Cu-ba mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp, giám sát; đề nghị hai bên phối hợp tổ chức hội nghị giữa lãnh đạo Quốc hội hai nước vào năm 2020 để tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội hai nước.