Hoạt động đối ngoại

Từ ngày 16 đến 18-9, Ðoàn đại biểu Ðảng ta do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dẫn đầu, có chuyến thăm làm việc tại Ca-dắc-xtan.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Võ Văn Thưởng có các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền, chính phủ và quốc hội Ca-dắc-xtan, trong đó có Phó Chủ tịch thứ nhất Ðảng Nur Otan cầm quyền B.Bai-bếch, Chủ tịch Hạ viện Ca-dắc-xtan N.Ních-ma-tu-lin, Quốc vụ khanh M.Ta-din, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Ca-dắc-xtan M.Ti-lêu-béc-đi và ban lãnh đạo Ðảng Cộng sản nhân dân Ca-dắc-xtan (KNPK).

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên thông báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước; tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm; trao đổi các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Ðảng ta với Ðảng Nur Otan cầm quyền của Ca-dắc-xtan nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung. Hai bên khẳng định, Việt Nam và Ca-dắc-xtan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao. Hai nước thường xuyên phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc (LHQ), các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10-2016, song kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng tiềm năng, đòi hỏi hai nước nỗ lực hơn, tập trung khai thác thế mạnh, nhu cầu của nhau.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, đồng chí Võ Văn Thưởng thông báo cho phía Ca-dắc-xtan về tình hình và những diễn biến phức tạp trên Biển Ðông hiện nay, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Phía Ca-dắc-xtan bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Ðông, chia sẻ lập trường giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Ðông.

★ Từ ngày 14 đến 18-9, Ðoàn đại biểu Ðảng ta do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư dẫn đầu thăm làm việc tại Hy Lạp.

Ngày 17-9, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hy Lạp P.Pi-ra-men-nốt, thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Văn Bình gửi lời cảm ơn Hy Lạp đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, cũng như ủng hộ ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA-IPA). Ðồng chí đánh giá cao mối quan hệ giữa Việt Nam và Hy Lạp thời gian qua; cho rằng hai bên còn nhiều thế mạnh chưa khai thác, như lĩnh vực hàng hải, dịch vụ, du lịch. Trao đổi về tình hình phức tạp ở Biển Ðông thời gian gần đây, đồng chí bày tỏ mong muốn Hy Lạp quan tâm đến tuyến vận tải đường biển quan trọng này; đề nghị Hy Lạp ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp trên Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, kể cả biện pháp ngoại giao và pháp lý, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ðồng chí kiến nghị hai bên tiếp tục cơ chế trao đổi chặt chẽ trong thời gian tới, nhất là trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Phó Thủ tướng P.Pi-ra-men-nốt hoan nghênh chuyến thăm làm việc của Ðoàn đại biểu Ðảng ta; bày tỏ đồng tình và ủng hộ những vấn đề mà Ðoàn đã nêu; khẳng định Hy Lạp ủng hộ tự do hàng hải quốc tế, cũng như quan điểm và chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông; ủng hộ việc phê chuẩn EVFTA-IPA và thực hiện trong khuôn khổ hiệp định này. Phó Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh, như vận tải biển và du lịch.

★ Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phát triển và đầu tư Hy Lạp A.Giê-o-di-a-dít, ngày 17-9, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, qua đó kêu gọi sự đầu tư và hợp tác của các doanh nghiệp Hy Lạp với Việt Nam. Về phía Hy Lạp, Bộ trưởng A.Giê-o-di-a-dít đánh giá cao công cuộc cải cách và phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua.

★ Trước đó, ngày 16-9, đồng chí Nguyễn Văn Bình và Ðoàn có buổi tọa đàm với đại diện một số doanh nghiệp Hy Lạp. Ðoàn đã giới thiệu về một số thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Hy Lạp hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong lĩnh vực này. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình cùng đại diện một số bộ, ngành trong đoàn và doanh nghiệp Việt Nam cũng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp Hy Lạp, nhất là về cơ chế, quy định hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng hải.

★ Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Ðoàn đã gặp gỡ, thăm hỏi bà con kiều bào tại Hy Lạp. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình thông báo với bà con Việt kiều về tình hình đất nước, động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hướng về quê hương đất nước.

★ Ngày 18-9, Ðoàn có cuộc làm việc với lãnh đạo Ðảng Cộng sản Hy Lạp, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai Ðảng và hai nước trong thời gian tới. Cùng ngày, Ðoàn dự Diễn đàn doanh nghiệp “Khám phá Ðông - Nam Á”, do Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp (SEV) và Tổ chức doanh nghiệp Hy Lạp thuộc Bộ ngoại giao Hy Lạp tổ chức.