Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 30- 10, tại Hà Nội, đồng chí PHẠM MINH CHÍNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng , tháng 10-2020 do Ban Tổ chức T.Ư tổ chức.

Tháng 10-2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mưa lũ thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền trung, đồng thời là thời điểm tổ chức đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương và kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng, toàn ngành đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, góp phần tổ chức thành công đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng và hoàn thành báo cáo kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Hội nghị T.Ư 13, khóa XII và Đại hội XIII của Đảng; tích cực tham mưu Tiểu ban Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị về Báo cáo về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tham mưu Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị trình về công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII theo đúng quy định; làm tốt công tác cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và đại biểu Quốc hội khóa XV...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, trong bối cảnh vừa hoàn thành chương trình công tác năm, chương trình công tác nhiệm kỳ, tham gia chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành cần tập trung cao độ, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao; tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vừa qua; kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp ủy, cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, đồng thời chuẩn bị nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chuẩn bị thật tốt các nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 14, khóa XII và Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tham mưu Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII và tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Hội nghị T.Ư 14 , hoàn thành Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc và các nội dung phục vụ Đại hội XIII của Đảng…

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Nghiêm cấm việc chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền... Đồng thời, chuẩn bị chấm sơ khảo, chung khảo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020.

* Ngày 30-10, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Dự hội nghị, có các đồng chí: TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; TRẦN THANH MẪN, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng của các vị nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời các đại biểu luôn sẵn sàng đồng hành cùng MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam mong muốn, các đại biểu tham dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý vào các dự thảo văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua tổng kết thực tiễn.

Các đại biểu đã tham gia góp ý nhiều nội dung khác nhau, đáng chú ý có đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nêu rõ: Đảng ta đã thành công trong đổi mới kinh tế nhưng còn một số hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, chưa giải quyết triệt để một số yếu kém, bất cập. Trong phát triển kinh tế, có ý kiến cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực lâm nghiệp và tiếp tục có chương trình phát triển rừng bền vững đi kèm công tác quy hoạch, quản lý các công trình thủy điện, thủy lợi bởi người dân tái định cư các công trình này chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Đảng cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục tạo các cơ hội để họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình. Có đại biểu nêu ý kiến, Đảng, Nhà nước chưa quan tâm sâu sắc lĩnh vực khoa học xã hội trong khi đây là nội dung quan trọng, có vai trò lớn góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng và lý thuyết định hướng cho sự phát triển của đất nước…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển Tiểu ban Văn kiện, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng…

* Chiều 30-10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”. Hội nghị có sự tham dự của 450 đại biểu gồm lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng chí PHẠM BÌNH MINH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao dự và chỉ đạo hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Bình Minh đánh giá cao các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham dự hội nghị lần này. Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn sẵn sàng và thường xuyên lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và quý báu của người dân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam trong đó có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, nhất là với 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, chế tạo máy, sinh học…, chúng ta có thể hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển dân tộc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng với đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực để thực hiện mục tiêu kép: Vừa khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Phó Thủ tướng đề nghị các trí thức kiều bào cùng chung tay đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị đóng góp ý kiến để TP Hồ Chí Minh đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự góp sức của kiều bào, thành phố và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt mọi thời cơ để vươn lên mạnh mẽ và phát triển phồn vinh.

* Chiều 30-10, tại Hà Nội, Đại tướng TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác công an tháng 10 do Bộ Công an tổ chức.

Trong tháng 10, lực lượng công an nhân dân đã chủ động các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, duy trì trật tự, an toàn giao thông, tích cực tham gia cứu nạn, cứu hộ, tổ chức các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ, ủng hộ nhân dân các vùng bị mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, đá, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân… Qua việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch công tác, trong tháng 10, tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế rõ rệt, giảm 6,7% so với tháng 9.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương trong tháng qua. Đồng thời nhấn mạnh, tình hình an ninh trật tự dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm hình sự còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai, mưa lũ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân... Trước mắt, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp tốt với lực lượng chức năng, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai và tập trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ. Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và cán bộ khi làm nhiệm vụ.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, công an các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phòng, chống tội phạm; nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt và vượt tỷ lệ Quốc hội giao; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đúng tiến độ...

* Chiều 30-10, đồng chí VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và định hướng, kế hoạch phát triển, các chính sách thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của TP Hà Nội. Trong đó, đánh giá cao vai trò của công tác đối ngoại, xúc tiến giao thương, hợp tác đầu tư… đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hà Nội mong muốn các Đại sứ, Tổng lãnh sự quán, Trưởng cơ quan đại diện tăng cường phối hợp, quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hợp tác thu hút đầu tư - thương mại - du lịch với các nước bạn; tạo cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan của thành phố với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài... Các Đại sứ, Tổng lãnh sự quán, Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ để Hà Nội kết nối với các đối tác quốc tế, các địa phương của các nước trên thế giới.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng các tân Đại sứ, Tổng lãnh sự, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, để đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, thành phố rất mong muốn các cơ quan ngoại giao, các Đại sứ, Tổng lãnh sự quán, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường hỗ trợ, phối hợp với Hà Nội trong các hoạt động đối ngoại, tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao diễn ra trong và ngoài nước. Đồng chí cũng khẳng định, Hà Nội đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong triển khai các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cũng như phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến các đại sứ quán các nước trên địa bàn.