Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Tối 23-9, Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu với đại biểu già làng, trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới - lịch sử cách mạng các tỉnh phía bắc đến thăm TP Hồ Chí Minh, năm 2020. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự.

Phát biểu ý kiến tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả nước luôn biết ơn đồng bào dân tộc ở biên giới đã góp phần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương của Tổ quốc. Các tỉnh biên giới phía bắc là cái nôi cách mạng, đồng bào dân tộc đã luôn bảo vệ, đồng hành cùng Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Ðồng chí mong muốn, các già làng, trưởng bản tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân tại địa phương thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp tích cực vào việc gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các già làng, trưởng bản tiếp tục là nhân tố quan trọng trong phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng, trở thành những "thư viện, bảo tàng sống" về sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, hướng dẫn, vận động bà con các dân tộc năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, đạt năng suất cao để phát triển kinh tế gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương.

★ Chiều 23-9, tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ở thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), Ðại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác dự lễ trao 20 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo trên địa bàn hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Ðình Khang, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao 20 phần quà tặng 20 công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vũng Liêm.

Trước đó, đoàn công tác do Ðại tướng Ngô Xuân Lịch làm trưởng đoàn, đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, tại xã Long Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long).

★ Ngày 23-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức Ðại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 7. Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh dự.

Phát biểu ý kiến tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu của ngành giáo dục, của các nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm và các em học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó học tập tốt. Phó Chủ tịch nước khẳng định, GD và ÐT có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ðảng, Nhà nước luôn khẳng định GD và ÐT là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Qua sáu năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, hành lang pháp lý cho đổi mới GD và ÐT từng bước được hoàn thiện; công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai tích cực; việc đổi mới phương pháp dạy học, thi kiểm tra, đánh giá ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Lần đầu tiên có ba cơ sở giáo dục đại học lọt bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, bảy trường vào danh sách 500 trường tốt nhất châu Á…

Phó Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, cán bộ, thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên cần nêu quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển GD và ÐT. Phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của GD và ÐT đối với sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Ngành giáo dục tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp GD và ÐT; chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, phẩm chất năng lực sáng tạo; khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những tiêu cực trong ngành giáo dục. Tiếp tục lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

★ Chiều 23-9, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Phó Chủ tịch Hội đồng.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) chọn thi cử là khâu đột phá vì được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất. Qua sáu năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, bộ cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường... Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ÐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa (SGK) tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. SGK thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo (STK) không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại SGK cũ. Ðối với STK, Bộ GD-ÐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua STK mà phải cấm mọi hình thức "khuyến khích" đưa STK vào trường học...