Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 14-7, đồng chí VƯƠNG ÐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020 của Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Vương Ðình Huệ đề nghị, Ban Chỉ đạo bám sát các nội dung, nhiệm vụ công tác cả năm để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Trong quá trình thực hiện, cần đẩy mạnh tuyên truyền và cần quán triệt, thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Ðảng, nhất là về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm sự công bằng. Ðồng chí yêu cầu, Ban Chỉ đạo tập trung hoàn thành việc sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp và các cơ sở bảo trợ xã hội; hai chi cục và hai đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng mô hình tổ chức Trung tâm điều hành thông minh của thành phố, trước mắt, tập trung thực hiện chức năng điều hành giao thông thông minh... Ðồng thời hoàn thành việc xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng có đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước theo chỉ đạo của thành phố và Bộ Nội vụ, bảo đảm cơ bản tuyển hết những trường hợp đủ điều kiện. Ðồng chí cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hai năm thí điểm mô hình Ðội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để báo cáo Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện thí điểm mô hình này.

★ Chiều 14-7, đồng chí Vương Ðình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) về kết quả phối hợp công tác giữa hai đơn vị; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của TP Hà Nội; các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng KH và CN; Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Vương Ðình Huệ cho biết, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, KH và CN và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội với 10 nhóm mục tiêu. Cụ thể, xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của Thủ đô. Hà Nội phấn đấu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ðể thực hiện các mục tiêu này, đồng chí đề nghị Bộ KH và CN phối hợp thành phố trong tham vấn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô, cũng như thử nghiệm những chính sách mới, mô hình kinh tế mới. Hỗ trợ thành phố trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển KH và CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Ðồng chí cũng đề nghị Bộ KH và CN phối hợp thành phố phát triển tiềm lực KH và CN Thủ đô; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH và CN và đổi mới sáng tạo.  Hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô, cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH và CN.

★ Chiều 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng VŨ ÐỨC ÐAM làm việc với Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, từ năm 2016 đến  2019, ngân sách T.Ư đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ y tế, đào tạo dạy nghề… Năm 2020, ngân sách T.Ư bố trí cho Chương trình 10.059 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với 422.534 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ 18.645 tỷ đồng. 

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm và vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi còn cao, một số tỉnh miền núi còn hơn 30%. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Chênh lệch giàu - nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục…), thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên… Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Ban Chỉ đạo thảo luận.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ của chương trình thời gian qua; nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2020, các bộ, ngành cần khẩn trương phối hợp tổng kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; sớm xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025…

★ Sáng 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng TRỊNH ÐÌNH DŨNG chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công tại địa phương.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nêu rõ các nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, đó là: hạn chế về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và về quy hoạch. Cũng do nút thắt về quy hoạch cho nên việc tái cấu trúc, chuyển dịch kinh tế chưa thực hiện được... Bên cạnh đó, như nhiều địa phương khác, Bình Thuận hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giải ngân đầu tư nói chung, nhất là đầu tư công. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực và có kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm, bảo đảm các vấn đề an ninh, an toàn xã hội; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường… Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải trở thành động lực mới của vùng duyên hải miền trung; phải tháo gỡ các nút thắt nêu trên để thúc đẩy đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận triển khai lập quy hoạch tỉnh một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nguyên tắc phù hợp giữa các quy hoạch. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ các công trình, dự  án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.