Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 20-11, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách phát triển thành phần kinh tế được coi là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành phải xác định rõ thực trạng và yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù còn khó khăn nhưng đến nay KTTT đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhất là trong 5 năm gần đây sau khi có Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của hợp tác xã (HTX) còn nhiều khiếm khuyết; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với KTTT không đồng đều; quản lý nhà nước về KTTT còn yếu kém, chưa có hệ thống thông tin dữ liệu của lĩnh vực này,…

Về vấn đề luật pháp, Phó Thủ tướng cho rằng, HTX và tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là phổ biến và có đặc thù riêng vì gắn chặt với sử dụng đất đai và kinh tế hộ gia đình; đề nghị các bộ, ngành thảo luận xin ý kiến Bộ Chính trị về việc xây dựng luật riêng về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên cơ sở hệ thống pháp lý hiện nay. Phó Thủ tướng cũng đặt ra trường hợp doanh nghiệp “đội lốt” HTX để hoạt động và chính sách cho phép thành lập doanh nghiệp trong HTX nhưng qua thực tiễn, nhiều HTX lại đề nghị được chuyển đổi thành doanh nghiệp để các bộ, ngành cho ý kiến; xem xét việc ủy thác chức năng kiểm toán HTX cho Liên minh HTX Việt Nam thực hiện để minh bạch tài chính của khối này,...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát các quan điểm của Đảng về KTTT tại Nghị quyết số 13, bổ sung các ý nghĩa của KTTT về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, có tác động quan trọng đến các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...