Hà Nội nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đó là yêu cầu, nhiệm vụ xuyên suốt được TP Hà Nội tập trung thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp được tăng cường, kinh tế - xã hội giữ vững nhịp tăng trưởng cao, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Doanh nghiệp làm thủ tục kê khai điện tử tại Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: DUY LINH
Doanh nghiệp làm thủ tục kê khai điện tử tại Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: DUY LINH

Tinh gọn và chất lượng hơn

Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh”. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố đã quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khi mới triển khai, không ít ý kiến lo ngại với khối lượng công việc rất lớn của thành phố cần giải quyết, sẽ khó mà tinh gọn lại bộ máy, con người. Tuy nhiên, từ sự chỉ đạo quyết liệt và làm gương từ Thành ủy, cùng những cách làm bài bản, khoa học từ công tác tuyên truyền, vận động đến việc xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí bộ máy, nhân sự, đã tạo được sự đồng thuận cao, không xảy ra đơn thư, khiếu kiện phức tạp.

Ban Thường vụ Thành ủy đã đi đầu sắp xếp, củng cố, kiện toàn các đảng bộ trực thuộc Thành ủy giảm từ 59 xuống còn 50 đảng bộ; chỉ đạo sắp xếp giảm năm ban chỉ đạo thuộc Thành ủy, 74 ban chỉ đạo do UBND thành phố thành lập. Thành phố cũng sắp xếp giảm 21 ban quản lý dự án và 121 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, 45 đơn vị chuyên môn thuộc sở, ngành thành phố; giảm 110 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm tự chủ chi thường xuyên và phấn đấu nâng mức tự chủ chi đầu tư đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở 257 đơn vị. Riêng giai đoạn 2018 - 2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền giảm gần 2.000 biên chế và dự kiến thành phố sẽ giảm hơn 19.000 biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện tự chủ tài chính. Ở cấp cơ sở, sau sắp xếp, thành phố đã giảm năm đơn vị hành chính cấp xã; 2.708 thôn, tổ dân phố; 985 chi bộ và 33.583 người hoạt động không chuyên trách. Sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Chi thường xuyên của thành phố giảm mạnh, đến năm 2020 số chi thường xuyên chỉ còn bằng 51% so với đầu nhiệm kỳ, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Cùng với việc tinh gọn, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, trong hai năm 2018; 2019, TP Hà Nội chọn chủ đề là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Hai năm thực hiện cùng một chủ đề cho thấy quyết tâm của TP Hà Nội trong củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Các giải pháp được các cơ quan, đơn vị, tổ chức của thành phố chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện, nhất là đổi mới quy chế làm việc, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, đánh giá kết quả công tác theo tháng và đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm...

Tăng trách nhiệm, rõ hiệu quả

Từ thành phố đến cơ sở, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp được tăng cường; phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Việc phân cấp và ủy quyền từ thành phố xuống cơ sở được tăng cường, nhất là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, vệ sinh môi trường gắn với trách nhiệm cụ thể.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cũng không đứng ngoài cuộc, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, trong đó vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được phát huy rõ nét, với hơn 23.350 cuộc giám sát, 5.650 hội nghị phản biện. Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã lắng nghe, kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc từ cơ sở, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng chặt chẽ.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính luôn được thành phố quan tâm, quyết liệt chỉ đạo với tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Cùng với việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ước đạt gần 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Hằng năm, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều được chấm điểm, xếp hạng cụ thể về chỉ số cải cách hành chính, tạo động lực đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó là hàng loạt các giải pháp quan trọng khác như việc 100% cơ quan, đơn vị thuộc thành phố thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội”; thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) tới từng cá nhân theo vị trí việc làm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính cấp xã, cấp phòng; tổ chức các phiên giải trình của Hội đồng nhân dân các cấp giúp nâng cao năng lực, cũng như ý thức, trách nhiệm cụ thể của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố trong hai năm cuối nhiệm kỳ liên tục được “nâng hạng”, đứng trong tốp đầu cả nước, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn một số bất cập trong lĩnh vực này như triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng theo yêu cầu của Trung ương trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân. Đơn cử như Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 của Hà Nội, chỉ số thành phần về “Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị” chỉ đạt 70,7%; nội dung “Cơ quan thông báo kết quả xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị” đạt dưới 70%; nội dung “Cơ quan tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị tích cực” mới đạt 70,29%... Đây là thực trạng mà thành phố luôn trăn trở để đề ra các giải pháp quyết liệt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình phát triển, cũng như phát huy hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị hơn nữa để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.