Gia Lai phát huy vai trò của cấp ủy trong giữ gìn an ninh, trật tự

Thời gian qua, Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai đa dạng các biện pháp gìn giữ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thu hút đông đảo các lực lượng và nhân dân tham gia. Trong đó, hiệu quả rõ rệt là phong trào bảo vệ an ninh, trật tự gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân.
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân.

Tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ

Gia Lai có 90 km đường biên giới với tám đồn biên phòng và một cửa khẩu quốc tế. Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh triển khai nắm tình hình nội, ngoại biên; làm tốt công tác đối ngoại, thông báo, trao đổi tình hình hai bên biên giới nhằm ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ từ bên ngoài. Lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ an toàn đường biên, các cột mốc và kiểm soát biên giới đường mòn, lối tắt, cửa khẩu và đã giữ gìn tuyệt đối về an ninh biên giới, góp phần vào thành công chung của nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai khẳng định: Kết quả có được hôm nay của lực lượng biên phòng tỉnh trong công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới là nỗ lực của quá trình dài xây dựng, kết nối, củng cố và hợp tác.

Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và huyện ủy của ba huyện biên giới là Ia Grai, Ðức Cơ, Chư Prông đã ký quy chế phối hợp; đồng thời tám đồn biên phòng cũng ký quy chế phối hợp với bảy xã biên giới. Hằng năm đều tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Các đơn vị thường xuyên duy trì chế độ trao đổi thông tin, tình hình, thống nhất chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương với củng cố thực lực chính trị địa bàn các xã biên giới. Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phân công các cán bộ biên phòng tăng cường về các xã với chức danh phó bí thư đảng ủy xã. Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng cũng phân công 49 đảng viên của tám đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn (làng); 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình trên khu vực biên giới; tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, nhận xét, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên. Kết quả nhiệm kỳ 2016-2020 đã kết nạp gần 200 đảng viên mới ở các thôn, làng. Các tổ chức cơ sở đảng đã góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm, giữ gìn trật tự an ninh thôn, bản.

Lực lượng công an tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thời gian này, Ðảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung nắm tình hình, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, Ðại hội đại biểu lần thứ 16 của Ðảng bộ tỉnh và tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Trong đó, cuộc đấu tranh với “tội phạm công nghệ” được Công an tỉnh chú trọng và đã triển khai tuyên truyền, phản bác thông tin xấu, độc qua các blog, fanpage của Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh; tập trung đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, tăng cường tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ðại tá Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Quán triệt tinh thần “an ninh chủ động”, lực lượng công an tỉnh thường xuyên bám sát cơ sở, vừa làm tốt công tác nghiệp vụ, vừa chủ động nắm chắc tình hình, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác trước các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ nhân dân của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã điều tra làm rõ 3.223 vụ phạm pháp hình sự, triệt xóa 154 nhóm với 649 đối tượng. Tinh thần “an ninh chủ động” cũng được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong công tác đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO, “Tin lành Ðề-ga”, “tà đạo Hà Mòn”… Theo đó, cơ quan chức năng đã gọi, hỏi, răn đe hơn 37 nghìn đối tượng; kiểm điểm trước dân 2.880 đối tượng vi phạm pháp luật; tổ chức 7.180 lượt phát động phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm tại thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, trường học với hơn 1,3 triệu lượt người tham gia.

Ðấu tranh ngăn ngừa từ xa

Gia Lai là tỉnh miền núi thuộc khu vực bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 1.536,9 km2, gồm 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,7%, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na. Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh có 25.807 hộ nghèo (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 22.378 hộ). Trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của một số hủ tục, tập quán lạc hậu, ý thức tự vươn lên chưa cao, nên cuộc đấu tranh chống “cái nghèo” còn gặp nhiều khó khăn. Từ cái nghèo, cái khó dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như phá rừng, buôn bán chất ma túy, đánh bạc, tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, tụ tập gây rối làm mất trật tự công cộng… Nhận thấy đói nghèo chính là cái gốc của nguy cơ mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từ năm 2018, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này yêu cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp theo chức năng nhiệm vụ phối hợp các cơ quan nhà nước cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng làng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Các cuộc vận động này xây dựng được nhiều mô hình, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân; nhất là trong sản xuất nông nghiệp, thương mại, nghề truyền thống… Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Phạm Thị Lan chia sẻ: Qua chín năm thực hiện, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã hỗ trợ, giúp đỡ 10.109 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình một số vụ án kinh tế liên quan cán bộ, công chức gây xôn xao dư luận cũng như tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người, tranh chấp đất kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, Tỉnh ủy Gia Lai đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đấu tranh, ngăn chặn những nguy cơ gây mất ổn định từ sớm. Ðơn cử như những vụ án liên quan nạn “tín dụng đen” gây nhiều mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội, Tỉnh ủy Gia Lai đã có Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 4-6-2018, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao. Ðối với tình trạng khiếu kiện kéo dài, Tỉnh ủy cũng ra Quy định số 1515-QÐ/TU, ngày 13-8-2019, về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân trong tỉnh. Theo báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14-3-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa nội dung, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự vào chương trình công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Ðịnh kỳ hằng năm sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện và đề ra các giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Ðảng về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm hạn chế những nguy cơ từ xa. Qua ba năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia; đấu tranh, phá rã hầu hết các khung FULRO, “Tin lành Ðề-Ga”, đẩy lùi nguy cơ gây rối, bạo loạn. Ðồng chí Rah Lan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính cho biết: Với tinh thần chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến, gắn bó với cơ sở, với dân, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Gia Lai sẽ bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, xử lý tốt những vụ việc phức tạp, tạo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.