Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An

NDO -

NDĐT - Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Chính (1924-2019), ngày 30-11, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trò chuyện với gia đình của đồng chí Nguyễn Văn Chính tại hội thảo khoa học.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trò chuyện với gia đình của đồng chí Nguyễn Văn Chính tại hội thảo khoa học.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Long An, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Chính tham dự.

Hơn 61 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Chính, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, Bộ trưởng Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Trưởng Ban Thứ nhất Ban Tổ chức T.Ư, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam… người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo cách mạng đã gắn bó cả cuộc đời mình phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước và xây dựng quê hương Long An phát triển như ngày hôm nay.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An” nhằm làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những giá trị nhân văn của đồng chí về nêu cao tấm gương gương mẫu, đạo đức cách mạng; tâm trong sáng, giản dị và tình thương yêu, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trước những cống hiến to lớn của đồng chí, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược với những quyết định tiên phong. Trong đó, việc cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, tạo mũi đột phá vào cơ chế thị trường, lãnh đạo thực hiện thắng lợi chương trình khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười…

Đồng chí Trương Văn Tiếp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, sau khi hòa bình lập lại 1975, vùng Đồng Tháp Mười đối diện muôn vàn khó khăn: Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt. Toàn bộ tuyến biên giới giáp Cambodia hơn 133km bị Pol Pot đánh phá, giết hại. Hàng chục nghìn ha đất sản xuất bị bỏ hoang, nhiều hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa, tài sản. Trận lũ lụt lớn chưa từng có trong năm 1978 gần như đã nhấn chìm hoàn toàn vùng Đồng Tháp Mười. Hầu hết diện tích đất sản xuất không thể canh tác, hàng nghìn hộ gia đình mất nhà ở, thiếu lượng thực và công cụ sản xuất, bệnh dịch trên diện rộng... Lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác phải viện trợ vừa phục vụ cho tiền tuyến chống Pol Pot, vừa phải đáp ứng cho người dân trong cảnh mất mùa, hạn hán sau đó. Năm 1978 - 1979, cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang Long An phải ăn độn bo bo thay gạo.

Trước tình hình đó, đồng chí Bí thư Tinh ủy Nguyễn Văn Chính đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An quyết liệt thực hiện chủ trương xây dựng, tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười, bằng nhiều biện pháp đồng bộ như: phát triển hạ tầng giao thông, mở đường giao thông xuyên vùng, đào kênh tiêu phèn thau chua, xây đập, xây tuyến đê ngăn lũ; đẩy mạnh công cuộc bố trí, giãn dân từ các huyện phía nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thành lập các đoàn xây dựng kinh tế kết hợp với bảo vệ quốc phòng biên giới, tăng cường lực lượng định cư để khai thác, sản xuất, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp...

Kết quả cuộc tổng “tiến công” đó, đã có hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân nhân dân, cùng với lực lượng cơ giới, nguyên vật liệu được huy động. Báo cáo tổng kết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An sau 20 năm khai thác (1979-1999) vùng Đồng Tháp Mười cho thấy, diện tích lúa canh tác từ 62 nghìn ha tăng lên hơn 292 nghìn ha, tăng gấp 4,67 lần; năng suất từ 2,5 tạ/ha tăng lên 39,8 tạ/ha, tăng gấp 16 lần; sản lượng lúa từ 82 nghìn tấn tăng lên hơn 1 triệu tấn, tăng gấp 13,2 lần; chiếm hơn 70% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Đời sống nhân dân tăng nhanh, giảm hộ nghèo, hộ giàu tăng và phát triển ngày mạnh cho đến nay.

Đồng chí Đinh Ngọc Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An cho biết, đồng chí Nguyễn Văn Chính xuất thân là nông dân, trong môi trường giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của cha anh và quê hương đã nuôi dưỡng, bồi đắp tư duy, tình cảm, nhận thức, từ một người thanh niên yêu nước đi theo lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo ưu tú.

Sự cống hiến và phẩm chất đạo đức của đồng chí Nguyễn Văn Chính là tấm gương sáng ngời, là chuẩn mực giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tỉnh Long An học tập và noi theo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An nghiêm túc tiếp thu, kế thừa những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Chính. Đó là tinh thần cách mạng quyết liệt, tính chủ động, sáng tạo, “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Tấm gương về sự cống hiến, đạo đức cách mạng của đồng chí được buổi hội thảo hôm nay khẳng định cũng chính là dịp tốt để mỗi chúng ta tự soi mình, sửa mình. Qua đây, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng, nhạt phai lý tưởng Đảng, thiếu kiên quyết chiến đấu và phấn đấu rèn luyện bản thân.