Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020 được triển khai trong bối cảnh nhiều tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai, sạt lở, dịch bệnh diễn biến khó lường. Tuy nhiên, bằng sự chung sức đồng lòng vượt qua thách thức, khó khăn, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân dân tỉnh An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng tạo nên dấu ấn của nhiệm kỳ qua.

Toàn cảnh trung tâm TP Long Xuyên (An Giang).
Toàn cảnh trung tâm TP Long Xuyên (An Giang).

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế

An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã từng bước ban hành những cơ chế, chính sách để thúc đẩy vùng phát triển. Bằng quyết tâm chính trị của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp nguồn lực của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng khu vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp xây dựng. Cụ thể: Khu vực I chiếm 32,86%, giảm 8,17% so giai đoạn 2010 - 2015; khu vực II chiếm 14,4%, tăng 2,79%; khu vực III chiếm 49,09%, tăng 5,1%; thuế sản phẩm - trợ giá chính sách 3,66%, giảm 0,33%. GRDP bình quân đầu người của tỉnh An Giang tăng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Xác định đầu tư cho các nhóm hạ tầng trọng điểm là đòn bẩy để phát triển kinh tế, tỉnh An Giang đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông, nhất là kết nối các khu du lịch và hạ tầng đô thị. Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế. Chương trình phát triển nông nghiệp và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm “lấy thị trường làm mục tiêu định hướng cho sản xuất, nâng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa”. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên. 

“Nét nổi bật của tỉnh là đã tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư, giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó là chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực chất, quyết liệt với tổng vốn đầu tư trong nhiệm kỳ qua lên tới 11.820 tỷ đồng và được nhân dân đồng thuận nên hoàn thành sớm hơn một năm so với Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; quy mô thị trường nằm trong nhóm đầu khu vực. Hạ tầng thương mại, dịch vụ khá đồng bộ, hiện đại. Thế mạnh về du lịch được phát huy. Hạ tầng du lịch được ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng vốn cân đối đầu tư các dự án giao thông phục vụ du lịch của tỉnh An Giang hơn 3.100 tỷ đồng. Tổng số có 22 dự án với số vốn 6.416 tỷ đồng của các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào du lịch của tỉnh An Giang, nhất là tại các Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Năm 2019, có hơn 9,2 triệu lượt khách du lịch đến An Giang, doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến tăng trưởng ổn định. Toàn tỉnh An Giang có 545 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có 419 doanh nghiệp chế biến, chế tạo và hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, công suất lớn. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân. Lĩnh vực năng lượng tái tạo được khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Quyết tâm và động lực cho giai đoạn mới

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang xác định mục tiêu và quan điểm phát triển của nhiệm kỳ mới là: Xây dựng Đảng là then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu và thường xuyên. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ - đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân, là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà.

Nông nghiệp vẫn là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách.

Ba khâu đột phá của nhiệm kỳ mới là: Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung vào chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp và nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh An Giang đề ra 14 chỉ tiêu phát triển: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm là 7%; GRDP bình quân đầu người đến cuối nhiệm kỳ đạt 72,2 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội cả nhiệm kỳ 176.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn cả nhiệm kỳ 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 55% đến năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 đạt 73%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5% đến cuối nhiệm kỳ; 11 bác sĩ trên mười nghìn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% vào năm 2025; phấn đấu có thêm 28 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 89 xã vào năm 2025, có ít nhất 30 đến 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu có thêm hai huyện đạt huyện nông thôn mới; tỷ lệ ấp duy trì, nâng chất danh hiệu “Ấp văn hóa nâng cao” đến năm 2025 là 50%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh 95%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến cuối nhiệm kỳ đạt 90%. 

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang cũng đề ra 15 giải pháp chủ yếu như: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng; phát huy mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch; huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư hạ tầng phục vụ công nghiệp, du lịch và đô thị; nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển; phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển lĩnh vực dịch vụ; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người An Giang; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, toàn Đảng bộ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là đối với hệ thống chính trị. 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020 - 2025 thể hiện quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.