Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, truyền thống quý báu của dân tộc ta

NDO -

Sáng 4-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA - THUỶ NGUYÊN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA - THUỶ NGUYÊN)

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội, thưa đồng bào, đồng chí!

Hôm nay, tôi rất vui mừng phấn khởi cùng với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một Bông Sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.

Tôi xin thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin gửi tới các bậc lão thành, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân, người có uy tín và 1.593 đại biểu ưu tú dự Đại hội toàn quốc và đồng bào các dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thân thiết, lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc. Xin chúc Đại hội của chúng ta thành công.

Kính thưa toàn thể Đại hội, thưa đồng bào, đồng chí!

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới đối mặt với đại dịch thế kỷ Covid-19. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, nhiều tỉnh miền trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm phải làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn. Sự thay da đổi thịt ở nhiều nơi có thể cảm nhận hằng ngày như: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hoà Bình, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Trà Vinh,... 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện việc hỗ giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi các nhiệm vụ này của Nhà nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số miền núi. Nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí thực hiện cho địa bàn dân tộc, miền núi, chiếm 70% tổng vốn Chương trình qua các giai đoạn. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 52,5% tổng dư nợ cả nước trên địa bàn miền núi, dân tộc. Với những quyết tâm và nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ như vậy, chúng ta vui mừng nhận thấy: đến nay, 100% các xã đã có đường ô-tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế miễn phí. 

Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là một tài nguyên mới cho việc phát triển, nhất là du lịch. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở các vùng đồng bào dân tộc thêm đoàn kết, thống nhất, vững mạnh hơn. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.

Chúng ta không chỉ có một chiều nhìn thấy các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chúng ta cũng nhận thấy đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm đổi mới đất nước.

Chỉ chiếm chưa đến 15% dân số nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước. Trong kháng chiến, nhiều chiến công oanh liệt, nhiều tên tuổi của những anh hùng vẫn sống mãi với chúng ta như Hoàng Văn Thụ, La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đinh Núp, Lò Văn Giá, Sơn Ton, Hồ Vai, Pi Năng Tắc, Puih Thu… và hàng ngàn anh hùng liệt sĩ là người dân tộc thiểu số đã hy sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc ta. Rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người dân tộc thiểu số.

Trong hòa bình, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hình thức vinh danh những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đó là những đại diện tiêu biểu nhưng vẫn chưa đủ để đánh giá hết những đóng góp xuất sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cho sự phát triển của bản làng, quê hương, đất nước. Đây không phải là thành quả riêng lẻ của từng dân tộc, nó là sự kết tụ và giao hòa, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn máu thịt giữa các dân tộc anh em đồng bào - đồng chí - đồng nghĩa – đồng cảm, "tình đồng chí, nghĩa đồng bào". Có thể khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam. “Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương”. Chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Hồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh. 

Hôm nay, tôi xin phép được thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi vô cùng xúc động, trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã góp phần xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua.

Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, truyền thống quý báu của dân tộc ta -0
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA - THỦY NGUYÊN)

Vui mừng trước những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, chúng ta cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế khuyết điểm chưa thể làm được hay làm tốt hơn được.

Kinh tế đất nước mặt dù tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, quy mô nền kinh tế giờ đây đã thuộc nhóm bốn nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song chúng ta vẫn còn ở nước có mức thu nhập trung bình, chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 – sánh vai với các nước phát triển như Bác Hồ của chúng ta mong ước.

Nhà nước đã đầu tư đáng kể vào kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi ở nhiều nơi, các dự án đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đổi với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền trung chuyển biến chậm.

So với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng dãn cách. Kỹ năng lao động của người dân tộc thiểu số còn thấp, khiến cho cơ hội công việc hạn chế và thu nhập chậm được cải thiện.

Hiện tượng di cư tự do, vấn nạn tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy ở một số thôn bản còn diễn ra phức tạp; tình hình an ninh trật tự ở các tuyến biên giới, cửa khẩu có nhiều thách thức; bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, trong khi nhiều hủ tục lạc hậu chậm được khắc phục, nhất là vấn nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết làm suy kiệt nòi giống.

Kính thưa toàn thể Đại hội, thưa đồng bào, đồng chí!

Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong không khí trang trọng, trang nghiêm của Đại hội, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, cùng nhau nhắc nhở lời căn dặn thiêng liêng của Người: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là: "Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào".

Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, truyền thống quý báu của dân tộc ta -0
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc. (Ảnh: ĐĂNG KHOA - THỦY NGUYÊN)

Trên tinh thần đó, tôi đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung thực hiện thật tốt các nội dung sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hai là, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa 14 và Quyết định số 1409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính quyền các địa phương cần phát huy tính năng động, sáng tạo, trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nỗ lực và nguồn lực để sớm cụ thể hóa tinh thần Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Quốc hội và Quyết định 1409 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tinh thần lớn nhất phải là đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và tránh tái nghèo; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, gần dân hơn, hiểu dân hơn, trọng dân hơn và hết mực phụng sự dân; tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia.

Ba là, tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được. Trong tương lai, ngày mai tươi sáng phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị trong ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc...), đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Hãy tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc đó trở thành một nguồn lực, một thứ tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của ông cha ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, vì đất nước; hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế của đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, bảo đảm lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Năm là, chúng ta phải cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân. Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay hãy lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Kính thưa toàn thể Đại hội, thưa đồng bào, đồng chí

Từ diễn đàn Đại hội hôm nay, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới, sẽ đánh giá đúng đắn thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra từ khóa XII. Đồng thời đề ra được chủ trương, quyết sách lớn, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh truyền thống với bản sắc văn hóa của các dân tộc với sức mạnh của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Xin chúc các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí mạnh khỏe; Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp; Chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam của ta ngày càng vững mạnh. Cơ đồ đất nước, vinh quang Tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II