Thực hiện nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở Tây Nam Bộ

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đảng ở một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện và xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm. Việc này không chỉ góp phần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, mà còn tích cực đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương.

Kỷ luật nghiêm minh để cảnh tỉnh, răn đe

Thời gian qua, số lượng cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp ở các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ bị kỷ luật tăng lên. Nguyên nhân một phần là do công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện nghiêm túc, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe.

Ðầu năm 2019, Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cần Thơ thống nhất kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Ðảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, điều hành, trong công tác cán bộ và quản lý sử dụng tài sản. Trước đó, đầu năm 2017, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố quyết định kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lư Thành Ðồng vì liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, để bảy cán bộ thanh tra giao thông nhận hơn bốn tỷ đồng của doanh nghiệp, nhà xe và "phớt lờ" vi phạm của các đơn vị này trong một thời gian dài. Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm được Thành ủy, các cấp, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng với mức độ, tính chất vi phạm và khuyết điểm của từng người, từng trường hợp.

Tại tỉnh Hậu Giang, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng, không có ý thức "tự soi, tự sửa" dẫn đến mắc sai phạm và bị xử lý nghiêm. Ðiển hình là trường hợp Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ (Sở Nội vụ) Ðặng Hoàng Khải cùng ba cán bộ cấp dưới đã bị truy tố, xét xử, phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Những cán bộ này lập quỹ trái phép và vi phạm các quy định của Nhà nước về kế toán với số tiền sai phạm hơn bốn tỷ đồng. Ðây là một trong 18 vụ tham nhũng, cố ý làm trái bị phát hiện và xử lý ở Hậu Giang trong năm 2018. Tỉnh Kiên Giang từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có năm tỉnh ủy viên bị kỷ luật khiển trách về mặt đảng; một số cán bộ là bí thư huyện ủy, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được nêu rõ ràng qua các kết luận kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh. Quá trình đổi mới cơ chế, chính sách còn có những bất cập khiến kẻ xấu lợi dụng, cố ý làm trái. Do vậy, việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra hoặc kết quả xác minh để xác định mức độ vi phạm mà xử lý. Kỷ luật cảnh cáo về đảng đối với nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Văn Ðợi là một thí dụ. Năm 2017, đồng chí này bị điều tra do liên quan ba vụ oan sai đối với bảy người ở huyện Trần Ðề, ba người ở huyện Vĩnh Châu và vụ kết án oan một người ở huyện Châu Thành. Không trực tiếp điều tra, nhưng ở cương vị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, đồng chí đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoặc có kiểm tra nhưng không sâu sát, kịp thời, để cấp dưới vi phạm quy định của ngành, vi phạm pháp luật.

Ðồng chí Bùi Văn Nở, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm với phương châm đúng người, đúng tội, không bao che, do đó hầu hết cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật đều "tâm phục khẩu phục", không khiếu nại sau kỷ luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang Cam Quang Vinh, mục đích của kỷ luật là "trị bệnh cứu người", cho nên phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để kết luận và quyết định xử lý kỷ luật, bảo đảm tính khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hay cố ý làm trái vì động cơ cá nhân; vi phạm đó là nhất thời hay có hệ thống. Cần xét ý thức của người vi phạm thế nào, tự giác nhận lỗi, bồi hoàn thiệt hại đầy đủ, kịp thời hay có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra. Cũng nên có sự phân biệt đảng viên đó là người khởi xướng, tổ chức, quyết định hay là bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai. Từ việc xem xét rạch ròi mới đưa ra các hình thức xử lý tăng nặng hay giảm nhẹ.

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát đang trực tiếp góp phần nâng cao uy tín của các tổ chức đảng, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Do đó, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát là đòi hỏi của thực tiễn, từng bước cần được công khai, minh bạch để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát.

Ðến nay chưa có thống kê về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, song qua báo cáo của một số tỉnh cho thấy, thời gian qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường và đi vào thực chất. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long, năm 2018, có 179 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có 44 cấp ủy viên (tăng 31 đảng viên so với năm 2017). Trong số này có hai đảng viên thuộc thẩm quyền kỷ luật của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh; bốn đảng viên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; bảy đảng viên sau khi bị kỷ luật đảng đã bị truy tố và lĩnh án. Cũng trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang xử lý kỷ luật bốn tổ chức đảng, 118 đảng viên, trong đó có 45 cấp ủy viên. Từ năm 2016 đến năm 2018, các cấp ủy tỉnh Sóc Trăng thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng và 276 đảng viên. Tại Kiên Giang, trong nửa đầu nhiệm kỳ này, có 11 tổ chức đảng, 917 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có nhiều cấp ủy viên… Kết quả ấy đã góp phần chấn chỉnh các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao ý thức của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phòng ngừa những hành vi có nguy cơ dẫn đến sai phạm phải xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, nhìn lại những vụ sai phạm điển hình tại các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Ðó là nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra và đảng viên về thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn hạn chế. Có cấp ủy buông lỏng nhiệm vụ thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, có nơi "khoán trắng" cho Ủy ban Kiểm tra. Ngược lại, có cấp ủy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Kiểm tra hoạt động, còn can thiệp quá sâu vào các vụ việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra. Mặt khác, việc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ của các tổ chức đảng, đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị nhìn chung ít hoặc không có hiệu quả. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế hỗ trợ để đảng viên, quần chúng mạnh dạn đấu tranh. Người làm công tác kiểm tra, giám sát là cán bộ, đảng viên cấp dưới của lãnh đạo cơ quan, bí thư cấp ủy cơ quan cho nên dễ bị vô hiệu hóa, bị gây khó khăn khi tiến hành kiểm tra, giám sát ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy và lãnh đạo cơ quan. Nguyên Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phạm Thế Tài cho rằng, thời gian qua, một số trường hợp xử lý sai phạm "nhẹ trên, nặng dưới", có biểu hiện đổ thừa, chối bỏ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành. Nguyên nhân sâu xa là do trình độ, năng lực của cán bộ còn yếu kém.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Minh Chiến chia sẻ: "Ðể việc kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Ðảng thật sự là giải pháp mạnh trong công tác xây dựng Ðảng, các cấp ủy cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Khi kiểm tra kết luận sai phạm, tổ chức đảng, chính quyền phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; không biện minh bất cứ lý do gì để xử lý giảm nhẹ, bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật". Cùng quan điểm, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, gắn với quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra sai phạm.

Ðể nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi nhận thức nghiêm túc hơn nữa của các cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời cần phát huy vai trò giám sát của người dân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tăng cường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong Ðảng để mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng có thể giám sát mọi lúc, mọi nơi. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang Hồ Minh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan kiểm tra đảng khi công bố một số kết luận kiểm tra đã mời các cơ quan báo chí trong tỉnh đến dự, đưa tin. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện công khai kết luận kiểm tra của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có cơ chế bảo vệ người tố cáo, có chế tài đối với hành vi bao che sai phạm, trù dập người tố cáo; kịp thời biểu dương, khen thưởng những người tố cáo đúng.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp, công tác xây dựng Ðảng ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã chuyển biến rõ rệt. Trong đó, vai trò, vị thế của công tác kiểm tra đảng được phát huy, tích cực góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Ðể đáp ứng kỳ vọng của đảng viên và nhân dân, từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các tỉnh Tây Nam Bộ cần duy trì tốt hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, tăng cường kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.