Chuyện viên giám ngục Pháp lưu giữ tượng Bác Hồ

NDO -

NDĐT - Trong những năm 40 của thế kỷ trước, có một bức tượng Bác Hồ đã được các chiến sĩ cộng sản lưu giữ tại nhà tù Côn Đảo với sự kính trọng và niềm tin tưởng tuyệt đối với vị lãnh tụ kính yêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau gần 70 năm, tác phẩm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này lại được thấy ở Pháp và được trao lại cho Việt Nam để giới thiệu tới công chúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Paul Antoine Miniconi và gia đình trân trọng gìn giữ nhiều năm qua.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Paul Antoine Miniconi và gia đình trân trọng gìn giữ nhiều năm qua.

Đó là bức tượng tạc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thạch cao, nhỏ nhắn, đặc tả khuôn mặt của Bác với đôi mắt nhìn thẳng sống động, đầy tình cảm, cùng vầng trán cao và chòm râu bạc. Bức tượng từng là nguồn cổ vũ lớn lao cho các chiến sĩ cách mạng, và cũng đã khiến một viên giám ngục người Pháp phải khâm phục về những giá trị ngời sáng, tốt đẹp trong chốn lao tù.

Ngược dòng thời gian trở về những năm tháng đấu tranh kiên trường của các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo. Khi đó, một người Pháp tên là Paul Atoine Miniconi, được cử sang Việt Nam làm giám ngục tại đây trong giai đoạn 1920-1952, đã phát hiện những “dấu hiệu bất thường” của các tù nhân và nghi họ cất giấu vũ khí. Khi cho khám xét, viên cai ngục đã thu được một bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng.

Sau đó, viên giám ngục này biết rằng, mỗi lần bí mật chào cờ, kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ, các chiến sĩ cộng sản đặt bức tượng phía trước với tinh thần trang nghiêm. Ngạc nhiên, thán phục về tinh thần quả cảm cũng như lòng trung thành của các chiến sĩ cộng sản với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giám ngục Paul Atoine Miniconi đã quyết định lưu giữ lại bức tượng như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Việt Nam.

Năm 1952, khi kết thúc thời gian làm việc tại Côn Đảo, ông Miniconi trở lại sinh sống tại đảo Corse ở Pháp. Trên chuyến trở về nhà, ông đã mang theo bức tượng, gìn giữ đầy trân trọng trong nhiều năm tại nhà riêng, rồi trao lại cho con trai tên là Paul Miniconi, người đã từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ trước, lưu giữ trước khi ông mất.

Việc tìm ra bức tượng Bác rất tình cờ vào năm 2019, trong một lần Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp gặp nhà sử học người Pháp Frank Sénateur chuyên nghiên cứu về các nhà tù ở các nước thuộc địa của Pháp, trong đó có nhà tù Côn Đảo. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho biết: Quả thật đó là sự tình cờ rất may mắn khi tôi gặp ông Franck Sénateur, một nhà sử học người Pháp rất thân thiết với Đảng Cộng sản Pháp và là Chủ tịch Hội những người nghiên cứu về lịch sử về nhà tù thực dân.

Không có hẹn trước nhưng tôi đã gặp ông Franck Sénateur trong một cuộc hội thảo vào tháng 4-2019 tại Viện khoa học lịch sử của Pháp (tức Viện lưu trữ lịch sử quân đội của Pháp) tại lâu đài Chateau de Vincenne ở ngoại ô Paris. Đó là cuộc hội thảo về Sài Gòn của thế kỷ trước, tập hợp rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử về Việt Nam và tôi cũng có mặt trong cuộc hội thảo đó, nhưng chỉ dự được khoảng một tiếng đầu.

Ngay khi phiên thảo luận thứ nhất kết thúc thì ông Franck Sénateur chạy đến và nói với tôi rằng ông muốn gặp và tặng tôi một cuốn sách về nhà tù Côn Đảo, một nhà tù rất nổi tiếng của Pháp ở Việt Nam. Khi thấy cuốn sách "Côn Đảo - nhà tù ở Đông Dương," tôi chú ý ngay trang bìa, có bức tượng Bác. Đọc lướt qua cuốn sách, tôi hỏi ngay: Ông còn bức tượng này không?

Thật mừng khi ông Franck Sénateur cho biết, bức tượng Bác Hồ hiện do con của ông giám mục cất giữ. Nhà sử học nói rằng ông đã gặp ông Paul Miniconi đó rồi và được kể rằng bức tượng do bố ông ấy mang về từ những năm 30 (ông nói rõ là từ những năm 30) khiến tôi cảm thấy rất hồi hộp.

Đại sứ Nguyễn Thiệp kể tiếp: Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu mà được thấy bức tượng đó thì vô cùng quý giá vì hiện vật này thể hiện vị trí của Bác Hồ không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện cuộc sống đấu tranh anh dũng và khôn khéo của những người tù cộng sản ở Côn Đảo. Tôi cũng nói với ông Franck Sénateur là bố tôi cũng là một trong số những người tù cộng sản bị nhốt ở Côn Đảo với án khổ sai chung thân, nên Côn Đảo rất gần gũi và thân thiết đối với tôi. Tôi ngỏ lời muốn đi cùng với ông để xem bức tượng ấy hiện nay đang còn ở đảo Corse hay không và có thể đưa về Việt Nam được không.

Cuốn sách của nhà sử học viết chủ yếu về hồi ức của con trai người giám ngục, là ông Paul Miniconi, về cuộc sống của ông, sinh ở Sài Gòn và sống ở Côn Đảo đến năm 14 tuổi mới theo gia đình về nước Pháp. Sau khi về Pháp, bố của ông lại quay trở lại làm việc cho đến năm 1952 mới kết thúc chế độ công chức của chính quyền thực dân.

Khuôn mặt của Bác trong ảnh bìa của cuốn sách có vẻ như không khớp với quãng thời gian những năm 30 thế kỷ trước như nhà sử học Franck Sénateur nhận định. Chính vì vậy, Đại sứ Nguyễn Thiếp rất nôn nóng, rồi bàn với nhà sử học để bố trí chuyến đi thật sớm tới nơi còn lưu giữ bức tượng Bác Hồ. Lý do đưa ra là muốn có cuộc gặp giữa người con của ông giám ngục và người con của người tù cộng sản ở Côn Đảo. Về mặt ngoại giao có ý nghĩa rất lớn thể hiện sự hòa giải giữa hai người con, hai dân tộc, hai đất nước. Đó chính là nền móng bấy lâu nay cho quan hệ ngoại giao giữa hai đất nước vốn được gắn bó bằng lịch sử. Và quan trọng hơn cả là để đưa bức tượng về nước khi biết bố của ông Paul Miniconi đã có ý nguyện trao lại cho Việt Nam.

Ngày 1-12-2019, sau khi có sự chấp thuận từ trong nước, Đại sứ Nguyễn Thiệp đi nhận tượng Bác cùng nhà sử học Franck Sénateur và bà Hélène Luc, nguyên Thượng Nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt. Sau chặng đường nhiều giờ đồng hồ tới hòn đảo ở mãi phía nam nước Pháp, mọi người tới ngôi nhà của ông Miniconi.

Ngay ở cổng có dòng chữ Poulo-Condore, nghĩa là Côn Đảo, cho thấy rõ sự gắn bó của ông Miniconi và gia đình với Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Thiệp kể lại: "Chúng tôi rất ấn tượng khi thấy ngôi nhà của gia đình ông ấy, nằm cheo leo trên sườn núi. Biết chúng tôi đến nên con trai của ông giám ngục rất mong chờ sự kiện này. Điều ngạc nhiên hơn đối với tôi và đoàn là mọi người thu xếp để tôi gặp con của người cai ngục trước tiên. Ông bước ra và nói: Chào ông, lâu quá rồi tôi mới nói tiếng Việt. Tôi vô cùng ngạc nhiên, một ông già 92 tuổi, khuôn mặt của người Pháp, tính cách Pháp mà lại nói tiếng Việt với giọng miền nam khiến tôi vô cùng cảm động. Ông ấy cũng có cảm tưởng gặp lại người thân đã lâu vì Côn Đảo gắn liền với thời niên thiếu. Ông lớn lên ở một nơi rất đặc biệt, đó là nhà tù, cuộc sống của những người tù, chiến sĩ cộng sản. Chính qua họ, ông biết được tập tục văn hóa, sinh hoạt vào dịp Tết, hè, hay Trung thu do những người cộng sản tổ chức.

Đưa chúng tôi đến chỗ bức tượng, ông cho biết bức tượng được bố ông mang về từ rất lâu và ông biết rằng bức tượng rất quý giá đối với những người tù cộng sản. Là thế hệ con cháu nhưng ông biết điều đó và giữ gìn bức tượng như giữ kỷ vật của gia đình. Khi trao tượng Bác cho tôi ông nói: "Trao cho ông bức tượng này, tôi cảm tưởng như làm được một điều mà bố tôi hằng mong muốn và tôi cũng cảm thấy thanh thản để trao lại kỷ vật rất quý giá đối với những người cộng sản.”

Sau đó Đại sứ Nguyễn Thiệp cùng ông Paul Miniconi và nhà sử học Franck Sénateur ký biên bản bàn giao hiện vật cho Việt Nam với sự chứng kiến của các bạn ông ở đảo Corse và gia đình. Mọi việc diễn ra hơn cả mong đợi để bức tượng có thể sớm trở về Việt Nam.

Chuyện viên giám ngục Pháp lưu giữ tượng Bác Hồ ảnh 1

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp (giữa), ông Paul Miniconi (phải) và nhà sử học Frank Senateur ký biên bàn giao bức tượng Bác Hồ tại nhà riêng của ông Paul Miniconi. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp).

Nhà sử học Franck Sénateur cho rằng bức tượng này có từ những năm 30 thế kỷ trước, nhưng hẳn là chỉ có sau đó nhiều năm. Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết: Sau khi nhìn thấy tượng Bác, chúng tôi thấy rằng có thể được làm sau năm 1940, lúc Bác đã có tuổi rồi. Vì bức tượng rất giống hình ảnh của Bác sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết, sau đó nhà sử học Franck Sénateur cũng thừa nhận rằng tượng Bác Hồ phải có từ những năm 40 trở đi. Khi đó Người là biểu tượng của những người cộng sản trong việc đấu tranh giành độc lập. Và đó cũng là lý do mà những người tù cộng sản đã cất giấu thật tài tình, đem theo khi bị đày ra Côn Đảo.

Chuyện viên giám ngục Pháp lưu giữ tượng Bác Hồ ảnh 2

Một cảnh tại nhà tù Côn Đảo trong cuốn sách của nhà sử học Franck Sénateur.

Bức tượng sau đó được về chuyển nước và bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ và giới thiệu tới công chúng về biểu tượng vô giá của tình cảm vô bờ của những chiến sĩ cộng sản đối với Bác Hồ kính yêu.

Dù đã trải qua nhưng giai đoạn sóng gió trong lịch sử, Pháp và Việt Nam có sự gắn bó đặc biệt. Tại Pháp có nhiều nơi từng lưu dấu chân Bác Hồ và cũng có nhiều người Pháp trân trọng lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ, thể hiện tình cảm quý mến, chân thành và sâu sắc đối với Người, rồi trao tặng lại cho Việt Nam. Năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tiếp nhận một chiếc mũ len mà Bác Hồ từng tặng ông Pierre Biquard, nhà vật lý và là nhà hoạt động hòa bình tích cực của Pháp, tham gia đoàn đại biểu Phong trào Hòa bình Pháp tới thăm Việt Nam cuối năm 1968 nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Từ câu chuyện tìm thấy bức tượng Bác Hồ ở đảo Corse, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp tin tưởng rằng vẫn còn nhiều cơ hội để tìm lại được những kỷ vật cũng như tư liệu ở Pháp liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.