Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po

Chiều 16-9, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po X.Me-nơn. Chào mừng Ðoàn đại biểu Tòa án tối cao Xin-ga-po do Ngài Chánh án X.Me-nơn dẫn đầu sang thăm làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch QH cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn cũng như việc hai bên ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin giữa hai Tòa án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những nội dung làm việc sẽ góp phần thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po X.Me-nơn cảm ơn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này hai bên ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin giữa hai Tòa án; khẳng định, Tòa án tối cao Xin-ga-po sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.

Chủ tịch QH đánh giá cao nội dung làm việc của hai cơ quan; cho rằng Việt Nam và Xin-ga-po đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, do đó việc trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, giao lưu nhân dân là rất quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Xin-ga-po kinh doanh thành công tại Việt Nam. Vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp sẽ góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... Cùng với đó, hai nước còn hợp tác và chia sẻ lợi ích chung khi cùng là thành viên ASEAN. Cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Tòa án tối cao Xin-ga-po trong các hoạt động hợp tác về tư pháp thời gian qua, Chủ tịch QH đánh giá cao những thành tựu mà hệ thống pháp luật và tư pháp của Xin-ga-po đã đạt được, coi đây là những điểm sáng mà Xin-ga-po có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN. Chủ tịch QH khẳng định sự ủng hộ của QH Việt Nam đối với hoạt động cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án nhân dân; khuyến khích Tòa án nhân dân tối cao tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với tòa án các nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Xin-ga-po. Chủ tịch QH đồng thời khẳng định sự ủng hộ và hoan nghênh việc Tòa án các nước ASEAN đã cùng nhau thành lập Hội đồng Chánh án ASEAN (CACJ), hoạt động với tư cách thể chế liên kết của ASEAN bên cạnh Ðại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Nhân dịp này, qua Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời mời Chủ tịch Quốc hội Xin-ga-po sớm thăm chính thức Việt Nam.

* Chiều 16-9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po X.Me-nơn.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kinh nghiệm của Tòa án Xin-ga-po trong lĩnh vực xây dựng, phát triển mô hình tòa án điện tử, cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế, mô hình tranh tụng tại phiên tòa, các lĩnh vực chuyên môn cụ thể như giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, các vụ kiện, khiếu nại về ô nhiễm môi trường... Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề này.

Phó Thủ tướng khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với việc tiếp tục xây dựng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai nước. Phó Thủ tướng bày tỏ hết sức quan ngại về tình hình Biển Ðông gần đây; nêu rõ, các nước ASEAN cần bảo đảm vai trò trung tâm qua việc phối hợp lập trường, duy trì đoàn kết nội khối, có tiếng nói chung, kiên quyết phản đối các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Ðông.

Chánh án Tòa án tối cao Xin-ga-po cho biết, trong chuyến thăm này của ông, ngành tòa án hai nước đạt được thống nhất và sẽ ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin giữa hai Tòa án; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của hệ thống tòa án mỗi nước ở mức độ cao hơn, sâu sắc hơn.

Về vấn đề Biển Ðông, ông X.Me-nơn cho biết, phía Xin-ga-po luôn tin tưởng vào sự thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng đàm phán giữa các bên liên quan.