Chống dịch ở Vĩnh Phúc: Lấy người dân làm trung tâm

NDO -

Đến trưa 17-5, tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản khoanh vùng các ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới, hạn chế lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh biện pháp “khoanh vùng, bao vây, truy vết thần tốc, xét nghiệm diện rộng”, tỉnh khẩn trương ban hành các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm “lấy người dân làm trung tâm”.

Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (thứ hai từ phải sang) động viên doanh nghiệp tham gia chống dịch Covid-19.
Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (thứ hai từ phải sang) động viên doanh nghiệp tham gia chống dịch Covid-19.

Không ai đứng ngoài cuộc

Khi dịch mới loang ra trên địa bàn, lực lượng tham gia chống dịch của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ gói gọn trong các cơ quan hữu quan. Đến khi xuất hiện hai ổ dịch là quán bar Sunny và cơ sở chăm sóc sức khỏe Hoa Sen, có thêm nhiều lực lượng tham gia chống dịch như toàn bộ các cơ sở y tế, lực lượng vũ trang, trường học, các tổ phòng, chống dịch Covid-19 ở khu dân cư.

Tỉnh nhanh chóng kích hoạt các thiết chế đã có, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón làn sóng dịch và khởi động hệ thống tuyên truyền ở cấp độ cao nhất. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch được các cộng đồng dân cư ủng hộ.

Tuy nhiên, dịch bệnh hiện hữu vẫn đe dọa các khu công nghiệp (KCN) – cơ sở kinh tế quan trọng nhất của Vĩnh Phúc, với hàng trăm nghìn lao động. Mặc dù ngay từ những ngày đầu của đợt dịch năm nay, tỉnh đã duy trì xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các doanh nghiệp để tầm soát nguy cơ, song chừng ấy là chưa đủ.

Vĩnh Phúc có thể may mắn hơn một số tỉnh khác khi đã từng xuất hiện một ca Covid-19 là chuyên gia của CTCP Vinatop thuộc KCN Bình Xuyên. Sau khi ca bệnh này và các trường hợp tiếp xúc được đưa đi cách ly tập trung, tính đến 12 giờ trưa 17-5, chưa phát hiện thêm ca bệnh nào trong các KCN của tỉnh.

Nhưng may mắn nào cũng bắt nguồn từ nỗ lực tự thân. Đề phòng dịch bệnh Covid-19 xâm nhập các cơ sở sản xuất kinh doanh, tỉnh thực hiện một chủ trương quyết đoán là khuyến khích, thúc giục triển khai xét nghiệm hơn 94 nghìn lao động trong các KCN, bao gồm các chuyên gia nước ngoài trong thời gian ngắn.

Ngày 14-5 là buổi đầu các KCN triển khai hoạt động xét nghiệm diện rộng, tỉnh đã huy động hàng trăm nhân viên từ bốn bệnh viện lớn trên địa bàn đổ quân xuống các doanh nghiệp, cấp tập tiến hành xét nghiệm. Nhiều doanh nghiệp thiết lập các khu vực xét nghiệm có phân luồng, giãn cách, có người hướng dẫn. Công nhân tỏ ra hài lòng vì không phải bỏ kinh phí xét nghiệm, và đây cũng là cơ hội để họ kiểm chứng sự an toàn của bản thân đối với gia đình.

Chị Hà Thị Anh, nhân viên Công ty TNHH Compal (KCN Bá Thiện 1) bày tỏ, việc xét nghiệm là rất cần thiết trong lúc dịch bệnh như thế này. Công ty trả tiền xét nghiệm nên công nhân không lo lắng gì.  

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đồng tình ngay với chủ trương xét nghiệm vì họ phải chi thêm một khoản kinh phí không hề nhỏ, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Một số doanh nghiệp nước ngoài xin gặp lãnh đạo tỉnh, đề xuất kéo dài thời gian xét nghiệm, đề nghị người lao động phải đóng góp chi phí xét nghiệm.

Lãnh đạo tỉnh chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh, giải thích rõ quan điểm doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ, chăm lo cho công nhân. Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, chi trả cho các trường hợp F0, F1, còn doanh nghiệp chi trả từ F2 trở đi.

Sau khi được giải thích, các doanh nghiệp thấy rõ việc xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, công nhân là biện pháp hết sức quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Từ ngày 15-5, không chỉ các doanh nghiệp trong KCN mà nhiều doanh nghiệp ngoài KCN chủ động liên hệ các đơn vị xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương xét nghiệm tự nguyện, mở rộng xét nghiệm trong các KCN, sau đó là các doanh nghiệp ngoài KCN và xét nghiệm cho toàn dân.

Để chuẩn bị cho xét nghiệm diện rộng toàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã nâng công suất xét nghiệm lên 5.000 mẫu đơn/ngày, 25.000 - 30.000 mẫu gộp/ngày. Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được tăng cường. Tỉnh chỉ đạo, khi phát hiện F0, chậm nhất sau hai giờ phải thực hiện khoanh vùng, cách ly ngay khu vực đó; trong vòng 10 giờ phải có kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp F1.

Vĩnh Phúc cũng chủ động các phương án bổ sung vật tư y tế và các điều kiện cần thiết khác phục vụ phòng, chống dịch ở cấp độ 3 (đến 1.000 bệnh nhân).

Công tác chống dịch của Vĩnh Phúc còn thu hút sự tham gia của nhiều lực lượng khác, kể cả con em xa quê, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, những ngày này, điện thoại gọi đến nhiều nhất là phóng viên để hỏi thông tin và các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ.

Mặc dù tỉnh mới vận động quyên góp, ủng hộ công tác chống dịch nhưng đến nay, đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Việc người dân ý thức được trách nhiệm của mình đối với phòng, chống dịch bệnh, tự giác phòng ngừa là vấn đề tiên quyết để chống dịch thành công. 

Chống dịch ở Vĩnh Phúc: Lấy người dân làm trung tâm -0
 Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân CTCP Prime Vĩnh Phúc.

Ưu tiên hàng đầu là lợi ích của dân

Không chỉ thần tốc trong truy vết, khoanh vùng dịch, mà tỉnh Vĩnh Phúc còn thần tốc trong chỉ đạo, điều hành với những cuộc họp cả ngày lẫn đêm. 6 giờ sáng hằng ngày, lãnh đạo Tỉnh ủy giao ban công tác chống dịch, điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp tình hình thay đổi từng ngày.

Sáng chủ nhật, 16-5, sau cuộc họp chóng vánh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là đến cuộc họp bất thường của HĐND tỉnh, thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022. Kinh phí từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác. Mọi người độ tuổi từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hơn sáu tháng trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 miễn phí. Ước tính số tiền chi cho hoạt động này khoảng 342 tỷ đồng.

Tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm tự nguyện cho người dân với mức giá hợp lý, trước hết là tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực cách ly xã hội và những nơi có nguy cơ cao.

Tỉnh cũng thông qua chính sách hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ sử dụng ngân sách cấp tỉnh để hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế bắt buộc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung với mức 80.000 đồng/người/ngày (quy định này không bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo); hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các trường hợp theo tiêu chuẩn, tiêu chí của UBND tỉnh về tổ chức xét nghiệm cho các đối tượng mở rộng có nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức giá tạm thời đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, giá dịch vụ xét nghiệm Real-time PCR đối với một mẫu đơn là 734.000 đồng. Giá xét nghiệm đối với mẫu gộp giảm dần từ gộp hai đến gộp 10, thấp nhất là 247.582 đồng. Giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên là 238.000 đồng/mẫu.

Về các chính sách này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan giải thích, nhằm thực hiện chủ trương, quan điểm người dân trong tỉnh phải được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều người bị cách ly đang gặp khó khăn, không có thu nhập trong thời gian cách ly, bị tổn hại sức khỏe, tinh thần và ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống.

Cũng chính vì vậy, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải trả tiền xét nghiệm cho công nhân, người lao động, phải đặt lợi ích người dân lên trên hết, thậm chí phải hy sinh lợi ích kinh tế để chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị xét nghiệm giảm đến mức thấp nhất giá xét nghiệm và yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh, kể cả y tế tư nhân phải chia sẻ với tỉnh, với nhân dân trong lúc khó khăn.

Đối với lĩnh vực giáo dục, tỉnh nghiêm cấm thu tiền học thêm vượt quá mức quy định đối với học sinh lớp 9 và lớp 12; nghiêm cấm các đơn vị thu tiền của học sinh trong việc tổ chức, chấm bài kiểm tra học kỳ 2, năm học 2020-2021.

Hơn ai hết, người dân Vĩnh Phúc hằng ngày chứng kiến nỗ lực không ngơi nghỉ của đội ngũ cán bộ, công chức, của các lực lượng tham gia chống dịch như quân đội, công an, y tế. Nhiều người dân, cán bộ hưu trí trên địa bàn tỉnh tình nguyện tham gia trực chốt, chuẩn bị suất ăn, nhắc nhở mọi người thực hiện 5K, giúp lực lượng chức năng truy vết, phát hiện người lạ trên địa bàn; nhiều người dân ủng hộ các lực lượng chống dịch bằng nước uống, thực phẩm, ngày công,...

Ông Trịnh Hồng Đoàn, Chủ tịch MTTQ thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: “Thị trấn Gia Khánh có tổ dân phố Hà Châu phải cách ly y tế. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã cố gắng ở mức cao nhất để người dân yên tâm cách ly. Đến nay, người dân đều ủng hộ chính quyền cơ sở, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Các chính sách mới tỉnh vừa ban hành sẽ củng cố thêm niềm tin cho người dân yên tâm chống dịch”. 

Chống dịch ở Vĩnh Phúc: Lấy người dân làm trung tâm -0
 Chiến sĩ Bộ Chủ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị suất ăn cho người bị cách ly.

Chính sách “lấy người dân làm trung tâm” của Vĩnh Phúc thể hiện quan điểm rất nhân văn, phù hợp thực tiễn địa phương, tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ chính sách này, người dân sẽ tin tưởng sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và tích cực hợp tác chống dịch.

Thiết nghĩ, trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh Covid-19, hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước cần tận tâm, tận lực chăm lo cho người dân, người lao động.

Nhận thức và hành động nhân văn đó thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, như được nhấn mạnh trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (đăng báo Nhân Dân ngày 17-5-2021) của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan