Cân nhắc các quy định về đầu tư và kinh doanh để bảo đảm phát triển mọi thành phần kinh tế

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 38, sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiến hành cho ý kiến về các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Ðầu tư (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật sửa đổi 66 điều, bãi bỏ hai điều, bổ sung một chương và tám điều. Ðáng chú ý, có việc thay đổi một số quy định liên quan doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi để bao hàm cả hai loại doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ðối với những thay đổi nêu trên, trong vai trò cơ quan thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, cần xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp do Nhà nước nắm giữ theo hướng bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết T.Ư 5. Quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp, hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước theo dự án Luật là chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ này sao cho vừa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, vừa hài hòa với quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu cho rằng, trước khi đưa ra những quy định về hộ kinh doanh trong dự án Luật, Ban soạn thảo cần tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế, đưa ra những đánh giá tác động chi tiết liên quan đến hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Hiện nay, các hộ kinh doanh thường không thích chuyển đổi thành doanh nghiệp, bởi phần lớn làm ăn, buôn bán theo quy mô nhỏ, không sở hữu một số yếu tố cần thiết đối với doanh nghiệp như kế toán, mặt bằng, hoạt động thanh tra, kiểm tra... Trong khi đó, luật hóa các quy định về hộ kinh doanh đồng nghĩa với việc nghiễm nhiên coi khu vực này là doanh nghiệp. Ðồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu bày tỏ sự không đồng tình với việc "doanh nghiệp hóa" các hộ kinh doanh. Bởi đặc trưng của nền kinh tế nước ta khác với nhiều quốc gia trong khu vực, trên thế giới, cho nên cần có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, thay vì siết chặt quản lý thuế nhưng khi thực hiện thì không bảo đảm các yếu tố thực tế.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng năm triệu hộ kinh doanh trong nước, nhưng hiện chưa có đánh giá tác động đầy đủ. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ bổ sung những vấn đề đã đánh giá tác động, ngược lại chỉ tiến hành sửa đổi những bất cập nhằm phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế. Ðối với đề xuất bỏ thủ tục mẫu dấu doanh nghiệp, đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn dựa trên điều kiện kinh tế đặc thù của nước ta. Ðồng thời, tránh việc giảm được thủ tục hành chính nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khi xảy ra tranh chấp.

Liên quan dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại với đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc bổ sung các ngành nghề mới vào danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó bao gồm kinh doanh cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AIDS, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Bởi, như vậy không khác nào gây khó cho những cơ sở nhân ái, từ thiện. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu quy định như trong dự án Luật, thì nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người lang thang, cơ nhỡ sẽ phải sở hữu nhiều loại giấy tờ, chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất y tế, thậm chí người đứng đầu các cơ sở này còn phải có bằng đại học hay các chứng chỉ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp... Ðây sẽ là những rào cản bất hợp lý đối với những việc làm thiện nguyện, nhân đạo mà nhân dân đang làm.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021; mở rộng địa giới hành chính TP Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập hai phường Tân Hưng, Nam Ðồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ðồng thời, xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa); thành lập ba phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Thảo luận tại phiên làm việc, sau khi nghe Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày Báo cáo thẩm tra các đề án nêu trên, Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết thông qua các việc thành lập các phường Tân Hưng, Nam Ðồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương); thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa); các phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), với tỷ lệ tán thành 100%.

Cuối phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của QH về việc thí điểm không tổ chức HÐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội. Theo đó, khi thực hiện thí điểm, HÐND phường được thí điểm sẽ chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.