Cải thiện chất lượng hoạt động giám định tư pháp

Chiều 19-9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GÐTP).

Một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật trước hết phải dựa trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành, nhưng quan điểm chỉ đạo sửa đổi luật được nêu trong Tờ trình lại chưa có sự thống nhất với nội dung tổng kết. Cụ thể, theo Tờ trình, có ba bất cập chính trong pháp luật về GÐTP, trong khi theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật GÐTP thì "vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện luật, nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương". Hơn nữa, thực tiễn việc chấp hành pháp luật về GÐTP trong hoạt động tố tụng hình sự cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có trách nhiệm từ cả phía cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu… Vì thế, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GÐTP là do khâu tổ chức thực hiện luật hay do quy định của luật hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết.

Một số ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật GÐTP nhằm "tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế", nhất là trong bối cảnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về GÐTP phù hợp tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cần rà soát bổ sung để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, khắc phục những bất cập của pháp luật về GÐTP trước những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan làm công tác GÐTP và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ thực thi để nâng cao chất lượng hoạt động này, tránh tình trạng kết luận GÐTP chung chung, không rõ ràng. Có ý kiến đề nghị phạm vi sửa đổi Luật GÐTP không mở rộng sang nội dung về thủ tục tố tụng, bởi đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, chỉ nên giới hạn trong phạm vi điều chỉnh như quy định của Luật GÐTP hiện hành.

Thảo luận về thời hạn GÐTP, có ý kiến đề nghị sửa đổi cho phù hợp thực tiễn hơn, nhất là diễn biến một số vụ việc xâm hại trẻ em, phụ nữ... xảy ra vừa qua cho thấy, quy định trong thời hạn bảy ngày cơ quan chức năng mới xem xét ra quyết định GÐTP hay không là quá dài, gây ảnh hưởng chất lượng giám định và các hoạt động tố tụng. Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn GÐTP vào Luật GÐTP, vì đối với GÐTP theo vụ việc, do quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và quy trình thực hiện ở từng lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, cho nên thời hạn giám định từng lĩnh vực phải khác nhau. Ðể giải quyết vướng mắc và áp dụng thống nhất thời hạn GÐTP theo vụ việc, nên giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề này.

★ Ngày 19-9, Văn phòng Quốc hội có Thông cáo báo chí cho biết: Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã tiến hành xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Theo đó, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban TVQH; xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH của ông Hồ Văn Năm; căn cứ Tờ trình số 734/TTr-BCTÐB ngày 18-9-2019 của Ban Công tác đại biểu và kết quả biểu quyết của Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 37 ngày 18-9-2019, Ủy ban TVQH quyết nghị: Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH khóa XIV đối với ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ðoàn đại biểu QH tỉnh Ðồng Nai, do đã bị thi hành kỷ luật về Ðảng và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe, kể từ ngày 18-9-2019.

Cũng trong phiên họp này, căn cứ Công văn số 7488-CV/TU ngày 12-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðồng Nai; Ủy ban TVQH đã thảo luận và nhất trí với đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðồng Nai về chủ trương giao đồng chí Bùi Xuân Thống, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ðoàn đại biểu QH chuyên trách sẽ phụ trách Ðoàn đại biểu QH tỉnh Ðồng Nai cho đến khi kiện toàn nhân sự Trưởng đoàn mới.