Cà Mau rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới bảo đảm tính đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn. Thời gian tới, các địa phương chủ động làm tốt công tác quy hoạch, vận động các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".

Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà, vườn và đường giao thông ở xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã khang trang hơn. Ảnh: MỘNG THƯỜNG
Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà, vườn và đường giao thông ở xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã khang trang hơn. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đồ án quy hoạch nông thôn. UBND các huyện và TP Cà Mau rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm yêu cầu kế hoạch của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sở Xây dựng đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể trong việc quản lý quy hoạch, cắm mốc giới xây dựng, xác định địa bàn các khu vực cần bảo vệ tôn tạo, khu cải tạo chỉnh trang, khu xây dựng mới, khu sản xuất nông nghiệp… Ðồng thời, quy định chặt chẽ đối với các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt để tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, đề án, cơ chế tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn.

Ðến nay, các huyện: Thới Bình, Cái Nước, Ðầm Dơi, Trần Văn Thời, Năm Căn, U Minh, Phú Tân… đã hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của từng địa phương. Còn huyện Ngọc Hiển và TP Cà Mau đang tổ chức rà soát đồ án quy hoạch đã phê duyệt năm 2012.

Bắc Giang phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường

Bắc Giang đang tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, như pin năng lượng mặt trời, nhiệt điện, tái chế nhựa, kim loại, hóa chất, giặt công nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa triệt để tình trạng xả thải nước thải chưa qua xử lý, xả trộm
ra môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; tăng chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Từ năm 2016 đến nay, cấp tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 426 báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các dự án sản xuất công nghiệp; cấp huyện đã xác nhận 2.107 kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Các ngành chức năng ở tỉnh đã tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường; chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và theo ý kiến kiến nghị của nhân dân; chú trọng công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.