Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Không cào bằng trong tinh giản biên chế

NDO -

NDĐT – Là vị tư lệnh ngành thứ ba trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 7-11, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trả lời các nội dung liên quan đến việc triển khai Đề án trả lương theo vị trí, việc làm; việc tinh giản biên chế; việc có nên duy trì phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thi xét nâng ngạch; xử lý trong sai phạm tuyển dụng…

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Không cào bằng trong tinh giản biên chế

Trả lời đại biểu Châu Quỳnh Dao, Kiên Giang về tình trạng tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, loại bỏ những người giỏi, giữ lại những người kém đức kém tài, Bộ trưởng cho biết, ông đồng ý với quan điểm “Không nên giảm biên chế cào bằng”. Bộ trưởng cũng cho biết, chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định cào bằng mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ ngành quản lý.

Theo vị tư lệnh ngành nội vụ, đến năm 2021 chúng ta có thể thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính. Trong hai năm vừa qua, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí để chi thường xuyên cũng 2%. Như vậy, đến cuối năm 2020, chúng ta đã đạt được chỉ tiêu giảm biên chế 8,85%, chỉ còn khoảng gần 1,3% nữa là đạt được chỉ tiêu. “Kết hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, kết hợp với việc thực hiện Nghị định 34 về giảm lượng công chức của cấp xã, nhiều hoạt động cho xã thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được giảm biên chế 10% đối với công chức”, Bộ trưởng nói.

Riêng đối với lĩnh vực viên chức, Bộ trưởng đề nghị có một nghị định riêng về vấn đề viên chức. Hiện nay, chúng ta chỉ mới giảm được 4,26% viên chức. Nếu chúng ta tăng thêm 29.300 viên chức và sắp tới theo đề nghị của các địa phương tăng thêm khoảng 1.000 viên chức giáo dục, y tế thì gần như năm năm qua, chúng ta không giảm được một biên chế nào. Đây là vấn đề chúng ta cần tính toán để các địa phương cùng Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới và phải cương quyết thực hiện được chủ trương của Đảng về thực hiện tinh giản biên chế.

Loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thi xét nâng ngạch

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn ĐBQH Hưng Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ “Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành truy xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc yêu cầu phải có văn bằng chứng chỉ trong thi nâng ngạch, xét thăng hạng và cả quy trình bổ nhiệm là phiền hà.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng của ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Như vậy, quy định về tuyển dụng công chức bằng ngoại ngữ là như nhau, còn ở từng vị trí phải có chứng chỉ văn bằng bằng cấp khác nhau. “Chúng tôi kiến nghị tới đây, cán bộ từ cấp vụ trở lên phải đạt được trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc quốc tế”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, quyết định phải có chứng chỉ khi xét ngâng ngạch được triển khai từ năm 1993 đến nay và hiện vẫn chưa sửa. “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Chúng tôi cam kết với Quốc hội vào năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa, không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa”, Bộ trưởng nói.

Trả lương theo vị trí việc làm

Về vấn đề trả lương theo vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

Hiện nay, Bộ Nội vụ được phân công là thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng Đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính. Ban Tổ chức Trung ương sẽ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội. Đối với các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và thang bảng lương cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và tổng hợp thang bảng lương của các bộ, ngành để trình với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Cao Đình Thưởng, ĐBQH Phú Thọ về việc tổ chức thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp hiện nay là không phù hợp và không cần thiết, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức.

Cũng theo Bộ trưởng, trong hai hình thức xét nâng ngạch hay thi, thì nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý nhưng có thâm niên công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định chúng ta có thể xét nâng ngạch còn nếu công chức muốn thi vào vị trí việc làm có ngạch cao hơn thì tổ chức thi vào vị trí việc làm để công nhận là cao hơn.

Xử lý sai phạm trong tuyển dụng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ, ĐBQH Quảng Bình chất vấn: “Vì sao nhiều vụ sai phạm và tham nhũng của cán bộ công chức hầu hết đều do lực lượng ngoài ngành báo đài và nhân dân phát hiện tố cáo. Vậy trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của thanh tra công vụ ra sao?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khi có Kết luận 43 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về kết quả sai phạm về công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác. Bộ trưởng nói, nhiều đồng chí sai phạm là cán bộ cấp cao, vì thế việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải xử lý theo từng tình huống phù hợp, vừa bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị và đặc biệt chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

“Lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức cuộc họp, thống nhất rất cao đề nghị của Bộ Nội vụ là phải giải quyết cái gốc của vấn đề đặt ra cho tuyển dụng, không giải quyết được gốc của tuyển dụng các bước tiếp theo sẽ vướng mắc”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, có những tỉnh gặp sai phạm ở vài chục trường hợp, nhưng có tỉnh sai phạm trong tuyển dụng tới 1.700 trường hợp, đây là con số không hề nhỏ. Nguyên nhân là do các chính sách đặc thù của từng địa phương, nên đưa ra chính sách ưu đãi về ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Về những sai phạm này, hiện Bộ Nội vụ đề nghị giải quyết theo như thông báo Kết luận 43 của Ban Bí thư gồm ba giai đoạn. Giai đoạn lấy mốc từ khi Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hai Nghị định 24 là từ tháng 11-2011 và năm 2012 đến nay, nếu có sai phạm trong công tác tuyển dụng đến nay đã đủ điều kiện xem xét, chỉ trừ trường hợp đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra là vi phạm nghiêm trọng.

Giai đoạn thứ hai là từ khi ban hành Thông tư cho đến ngày 28-12-2017 nếu thiếu tiêu chuẩn, điều kiện nhưng đến nay đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì thôi còn nếu nợ, chưa đủ theo như Kết luận 48 về tiêu chuẩn cho nợ cho đến hết năm 2019.

“Đây là hướng xử lý Bộ Nội vụ đề xuất Ban Bí thư vừa có tình, vừa có lý, vừa phù hợp với tình hình hiện nay là chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội và bầu cử Hội đồng nhân dân cấp. Tôi mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên sớm có ý kiến về vấn đề xử lý sai phạm trong tuyển dụng so với Nghị định 43 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề bổ nhiệm, theo Kết luận 48 cũng như ý kiến các đại biểu gửi câu hỏi chất vấn, có một số trường hợp đã được bổ nhiệm trước tháng 6-2012, tức là trước khi ban hành Kết luận 43 của Bộ Chính trị hoặc nằm trong giai đoạn từ tháng 6-2012 cho đến ngày 27-12-2017 nhưng đến nay đã hoàn thành hồ sơ thủ tục rồi, sẽ không xem xét lại.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, những trường hợp có sai lúc đề bạt, bổ nhiệm nhưng đến thời điểm này đã hoàn thiện đủ hồ sơ thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan tham mưu, đề xuất.

“Xử lý những vấn đề này hết sức nhạy cảm và vấn đề này phải xử lý kiên quyết. Chúng ta phải làm cho kỹ để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp”, Bộ trưởng nói.