Bộ Chính trị ban hành Kết luận về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030

Ngày 29-7, tại Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Chính trị kết luận, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, chúng ta đã đạt nhiều thành quả to lớn về bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Kết luận nêu những hạn chế, yếu kém, với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp: nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống; sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu; bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới năm tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới năm tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.

Kết luận cũng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh lương thực; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.

Bộ Chính trị cũng nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong bản Kết luận này.