Tiếng nói từ cơ sở

Bảo vệ trẻ em ở các địa bàn khó khăn

Khảo sát mới đây tại một số tỉnh phía bắc cho thấy, tình hình trẻ em bị xâm hại do bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và các hình thức gây tổn hại khác diễn biến phức tạp. Ðối tượng xâm hại trẻ em có người ruột thịt, người thân; có giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục, thậm chí đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó, số vụ trẻ em bị xâm hại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn chiếm tỷ lệ cao, diễn biến phức tạp.

Khảo sát từ cơ quan chức năng, một số địa phương, cho thấy tình trạng nêu trên có nguyên nhân do pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống; khung hình phạt chưa đủ mức răn đe tội phạm bạo lực. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm; việc phối hợp giữa các ngành còn hạn chế. Công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn về lĩnh vực này chưa được coi trọng. Cùng với đó, gia đình, cộng đồng dân cư, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em chưa chủ động thông tin, tố giác tội phạm.

Nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển toàn diện, nhất là ở các địa bàn khó khăn, công tác phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em cần được đặc biệt quan tâm. Với những địa bàn có nguy cơ cao, cấp ủy, chính quyền cần sớm triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp bảo đảm phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Trước hết là trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn, cùng các biện pháp bảo vệ trẻ em tại địa phương. Nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách, nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển toàn diện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó trước hết cần nghiên cứu, bổ sung các tình tiết tăng nặng tội danh bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm tính răn đe. Ðồng thời tập trung ưu tiên các dự án phát triển trẻ em cho các địa bàn nhiều khó khăn.