Bảo mật thông tin người dùng ví điện tử

NDO -

NDĐT - Chiều 2-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Về vấn đề bảo mật thông tin người dùng ví điện tử (VĐT), đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngày 7-7 sắp tới là hạn cuối cùng để các chủ VĐT hoàn tất việc kê khai xác minh danh tính của mình.

(Ảnh: VGP)
(Ảnh: VGP)

Sự thay đổi này là do chúng ta sửa đổi lại Thông tư 39 ban hành từ năm 2014 vì phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng VĐT.

Trong thời gian vừa qua đã có một số trường hợp người sử dụng VĐT bị lộ thông tin và ảnh hưởng an toàn. Qua nghiên cứu, NHNN thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính.

NHNN khẳng định, các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng; đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng.

Không hạ chuẩn tín dụng

NHNN đã có chỉ đạo trong toàn ngành rất sớm, vào cuộc rất nhanh, quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho DN và người dân khó khăn trong thời gian dịch bệnh. Trước nay, không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm nguyên tắc an toàn cho hệ thống tín dụng được quy định rất rõ ràng.

Vấn đề thiếu vốn hoặc hỗ trợ một cách tích cực hơn vốn cho các DN, NHNN đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho DN giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hết năm 2020. NHNN cũng đang xem xét các khó khăn của DN để điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các DN cũng như các tổ chức tín dụng để giải ngân vốn và hỗ trợ vốn cho DN. Các DN đang có điều kiện và có những dự án hiệu quả thì hỗ trợ vốn đang được thực hiện tích cực. Các DN đang khó khăn, chưa có nhu cầu vay vốn, việc xử lý nợ cũ được giãn, hoãn một cách hợp lý, tích cực hơn để giảm bớt khó khăn cho DN.

Việc hỗ trợ vốn cho các DN hiện nay với điều kiện được bảo đảm chất lượng tín dụng vẫn được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho DN và người dân hiện nay.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí tự động không dừng

Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án thu phí tự động không dừng thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết số 437 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (tháng 10-2017) và chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến giai đoạn 1 của Dự án chưa đạt tiến độ mà Quốc hội và Chính phủ giao.

Thu phí tự động không dừng là hạng mục rất mới, công nghệ hiện đại trong khi đó cơ chế chưa có, nên vừa làm vừa xây dựng cơ chế trình Thủ tướng Chính phủ. Thêm vào đó, chúng ta chưa nhìn nhận được bao quát tất cả vấn đề phức tạp liên quan, các vấn đề liên ngành như: Vay vốn ngân hàng, kết nối thẻ, gửi tiền trước hay gửi tiền sau… Về chủ quan, Bộ xác định đây là vấn đề về tổ chức thực hiện, là trách nhiệm của Bộ GTVT. Việc phối hợp giữa các nhà đầu tư BOT và nhà tổ chức thu phí VETC còn nhiều khúc mắc về hệ thống, tiêu chuẩn hợp đồng mà Bộ GTVT chưa lường hết.

Thêm nữa, với các dự án của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện, mặc dù Bộ GTVT chỉ đạo rất nhiều nhưng VEC đang thiếu nguồn lực để làm, chưa kể, hiện VEC đã chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên việc chỉ đạo của Bộ GTVT bị gián đoạn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm những phần liên quan đến chủ quan của mình để tiếp tục chỉ đạo, thúc đẩy nhanh dự án này.

Về cơ chế, Bộ cũng đã nghiên cứu những khúc mắc, vấn đề và cách giải quyết, đưa vào dự thảo Quyết định 07 sửa đổi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến dự án này, chi phí liên quan và điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án sang đầu năm 2021.