Bàn giải pháp tránh thất thoát, lãng phí trong dự án đặc biệt quan trọng

Là một trong những công trình xây dựng hạ tầng quy mô rất lớn được Quốc hội (QH) thông qua cả về chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mang theo nhiều kỳ vọng của QH và cử tri cả nước về một sân bay trung chuyển lớn hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á.

Theo dõi ý kiến nhiều đại biểu tại kỳ họp này cho thấy khối lượng công việc khổng lồ cần tiếp tục được giải quyết rốt ráo, bảo đảm sự minh bạch, công khai, lựa chọn phương án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, địa hình nước ta trải dọc theo chiều bắc - nam, lại sở hữu nền kinh tế với độ mở cao trên thế giới nên có lợi thế đặc biệt về giao thông vận tải hàng không trên cả hai phương diện khu vực và toàn cầu. Nếu lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm tâm điểm, thì chỉ trong hai đến ba giờ bay, hành khách đã có thể đặt chân đến tất cả các nước trong khu vực Ðông - Nam Á.

Vì vậy, đây không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch của đất nước, mà còn đóng vai trò cửa ngõ quốc tế, kết nối nhiều đầu mối tài chính - kinh tế lớn.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thông qua tại Nghị quyết số 94 ngày 25-6-2015, kỳ họp thứ chín QH khóa XIII. Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy hoạch cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế với tổng diện tích 5.000 ha, tổng công suất phục vụ hằng năm khoảng 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hóa, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 16 tỷ USD. Do có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian triển khai thực hiện kéo dài trong nhiều năm, liên quan việc di dời nơi ở của hàng chục nghìn hộ dân... dự án trọng điểm này vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu QH, giới chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà đầu tư cũng như đông đảo cử tri cả nước.

Tại diễn đàn QH, một số đại biểu cho rằng, nhiều hạng mục của dự án dù đã được tính toán, nhưng mới chỉ dừng ở mức thiết kế sơ bộ, có thể gây biến động lớn đến tổng mức đầu tư. Ủy ban Kinh tế của QH từng cảnh báo: Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chưa đánh giá tác động cụ thể từng loại vốn vay, chưa có khái toán đầy đủ... Mặt khác, theo báo cáo thẩm tra, đến tháng 8 vừa qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mới đạt 1,07% mức vốn được giao. Dự kiến đến hết năm nay tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án cũng chỉ đạt 15,75%. Sự chậm trễ này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Không chỉ riêng tiến độ, mà cả công tác tìm kiếm, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực của dự án cũng là chủ đề “làm nóng” nghị trường trong tuần qua. Là một công trình trọng điểm cấp quốc gia, dự án buộc phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Thế nhưng, trong báo cáo nghiên cứu khả thi nêu do công tác tổ chức đấu thầu có thể khiến tiến độ dự án tiếp tục bị chậm thêm so dự kiến, do vậy Chính phủ đã chuyển sang phương án chỉ định thầu, và nhà đầu tư được “chọn mặt gửi vàng” ba trong số bốn hạng mục dự án là Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) với lý do: Khó có đơn vị nào đủ điều kiện vượt qua ACV về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia...

Nhiều ý kiến đại biểu phân tích rõ hơn, với mức đầu tư khổng lồ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm rất nhiều gói thầu nhỏ. Vì vậy, ACV với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước nắm 95% cổ phần không thể tránh được việc phải triển khai đấu thầu nhiều lần, có thể tiếp tục làm chậm tiến độ vốn. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn bày tỏ lo ngại về năng lực được cho là “khó đơn vị nào có thể vượt qua” của ACV. Ðại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, ACV mới bảo đảm được một phần ba tổng vốn đầu tư, nghĩa là vẫn còn hai phần ba số vốn phải huy động bên ngoài. Khi có rủi ro xảy ra đối với một doanh nghiệp nhà nước, dù không bảo lãnh nhưng chắc chắn Nhà nước sẽ phải gánh chịu một phần. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn số liệu thống kê cho thấy: Chỉ có tám trong số 21 cảng hàng không nội địa thuộc phạm vi quản lý của ACV hiện kinh doanh có lãi. Ðại biểu thẳng thắn nhận định, nguồn lực của ACV chưa đủ thuyết phục để triển khai đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lo ngại: Luật Ðấu thầu đã quy định rất rõ phạm vi đối tượng, trường hợp cụ thể được chỉ định thầu. Trong các hạng mục mà ACV “được” thầu, có những hạng mục về giao thông, dịch vụ, đều không phải là thế mạnh của ACV. Một số đại biểu kiến nghị thuê đơn vị tư vấn tốt nhất để giám sát việc thực hiện. Hơn nữa, cần kêu gọi các tập đoàn tư nhân tham gia các hạng mục, lấy ACV làm hạt nhân. Việc chỉ định thầu cần phải chọn doanh nghiệp có năng lực, đơn vị giám sát đủ năng lực, không để thất thoát vốn, lãng phí. Ðồng thời, cần phải chú trọng xử lý tốt công tác đền bù, tái định cư với người dân...

Trong phiên giải trình về các ý kiến còn khác nhau của đại biểu QH, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận tình trạng chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Ðể khắc phục, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ðồng Nai báo cáo Chính phủ để giai đoạn một của dự án có thể vận hành đúng tiến độ. Liên quan năng lực của ACV, Bộ trưởng khẳng định, hiện ACV đã có khoảng hơn một tỷ USD dành cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Với lợi nhuận khoảng hơn 430 triệu USD sau thuế hằng năm, từ nay cho đến năm 2025, ACV dự kiến có khoảng 37% vốn đầu tư cho dự án. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ACV sẽ vay khoảng năm tỷ USD từ các tổ chức ở cả trong nước và nước ngoài để bổ sung nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ có cơ chế thuê các chuyên gia, tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ cho ACV; tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát để bảo đảm tổng mức đầu tư dự án sát với tình hình thực tế.

Viễn cảnh tươi sáng về Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và bài học kinh nghiệm từ các đại dự án thua lỗ trước đây khi giao cho các doanh nghiệp Nhà nước triển khai đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, lựa chọn bước đi phù hợp nhất. Rõ ràng, khối lượng, tiến độ, cách thức triển khai thực hiện của một dự án rất lớn, tầm mức đặc biệt quan trọng cấp quốc gia có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần được tiếp tục xem xét thật kỹ lưỡng. Ðặc biệt, công tác giám sát, quản lý phải được đặt lên hàng đầu, được tiến hành chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây cũng là niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước gửi gắm đến QH, đại biểu QH tại kỳ họp quan trọng cuối năm.