Bắc Giang xây dựng chính quyền điện tử

Hướng tới xây dựng chính quyền số, tỉnh Bắc Giang đang triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp để xây dựng nền hành chính điện tử.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là địa điểm hấp dẫn du khách ở Cà Mau. Ảnh: Trần Hiếu
Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là địa điểm hấp dẫn du khách ở Cà Mau. Ảnh: Trần Hiếu

Tỉnh đề cao trách nhiệm, tính quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền số tại ngành mình, cấp mình. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin cùng tham gia.

Toàn tỉnh hiện có 1.417 trạm BTS thu phát sóng, phủ sóng 3G, 4G và đường truyền mạng WAN kết nối từ Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đến 22 sở, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã tới 267 điểm cầu. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai đến tất cả các cơ quan đảng, Nhà nước liên thông bốn cấp, bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật. Hệ thống tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, tích hợp ký số trên phần mềm với 5.182 chứng thư số. Hệ thống thư công vụ đã cấp hơn 15 nghìn tài khoản cho tất cả cơ quan đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức các cấp để gửi, nhận văn bản điện tử. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 176 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp, liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng bộ 1.591 trong số 2.003 thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng bộ 17.546 trạng thái hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh cũng đã lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

★ Cà Mau tích cực phục hồi ngành du lịch

Sáu tháng đầu năm, tỉnh Cà Mau chỉ đón được 605 nghìn lượt khách du lịch, giảm 26% lượt và giảm 34% doanh thu so cùng kỳ năm 2019. Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh đã sớm triển khai nhiều giải pháp, tạo động lực cho các doanh nghiệp chung tay khẩn trương khắc phục khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo nhằm từng bước đưa ngành du lịch phục hồi. Các công ty lữ hành, các điểm dịch vụ ăn uống áp dụng chính sách kích cầu du lịch như mua sắm, tiêu dùng, du lịch thông qua chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá. Ðến nay, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã hoạt động trở lại; lượng khách du lịch tới tỉnh ngày càng tăng.

Tỉnh còn phối hợp một số địa phương liên kết hợp tác, tổ chức giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau tại thị trường trọng điểm; tiến hành nhiều hoạt động quảng bá du lịch gắn với chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách, nhất là trưng bày quảng bá du lịch Cà Mau tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tỉnh đẩy mạnh chương trình xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát, kết nối và phát triển sản phẩm du lịch trên tuyến R10 với các nước Thái-lan, Cam-pu-chia; hướng dẫn các điểm du lịch cộng đồng xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa vào khai thác điểm du lịch mới. Tỉnh vừa đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc tại Cảng khách Ông Ðốc, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Những giải pháp ‘‘đòn bẩy’’ đã tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Hòn Ðá Bạc và nhiều địa danh, di tích văn hóa lịch sử hấp dẫn khác.