An Giang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trong 5 năm (2016-2020), An Giang đã đạt mục tiêu giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24-6-2014 của QH về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Việc triển khai Nghị quyết 76 trên địa bàn An Giang đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ nghèo, cận nghèo. Hiện tỷ lệ tái nghèo tại An Giang rất thấp. Trong bốn năm 2016-2019, toàn tỉnh chỉ có 16 hộ tái nghèo; năm 2017 có chín hộ, đến năm 2018 còn bốn hộ và năm 2019 chỉ còn ba hộ. Phần lớn các hộ bị tái nghèo do ảnh hưởng thiên tai và lao động chính bị tai nạn lao động hoặc bệnh hiểm nghèo.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định. Ảnh: TRẦN VIỆT
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định. Ảnh: TRẦN VIỆT

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh An Giang sẽ tập trung nguồn lực nâng cao dân trí, tay nghề và bảo đảm việc làm cho người nghèo; tạo cơ hội về phát triển sản xuất, để người nghèo tự lực vươn lên... Tỉnh tiếp tục bố trí đủ và kịp thời kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác giảm nghèo. Tăng cường đầu tư đủ mạnh để xây dựng kết cấu hạ tầng các địa bàn nghèo, vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện liên thông hàng hóa, giao thương kết nối thị trường, thuận lợi trong đời sống sinh hoạt, sản xuất.

* Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các chính sách về lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ hơn 69 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 1.250 lao động, trong đó hơn 667 lao động phổ thông, số còn lại là nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhân viên văn phòng. Trong khi đó, 2.295 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường xem xét chi trả hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương hỗ trợ được hơn 20 nghìn lao động. Tỉnh cũng chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm và tư vấn tuyển dụng thông qua các hình thức gián tiếp và trực tuyến như: sàn giao dịch online, qua điện thoại, email, trên website, zalo và facebook. Đồng thời phối hợp triển khai các lớp tập huấn về kỹ năng tuyển dụng dành cho doanh nghiệp và người lao động bằng hình thức online; tích cực tìm việc làm phù hợp để tư vấn, giới thiệu cho người lao động tham gia phỏng vấn; định hướng cho người lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm những công việc có thể làm được, tạo thu nhập, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.