Xóa đói, nghèo ở chiến khu xưa

NDO - Ðồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) gặp chúng tôi hồ hởi nói: Ðiểm nổi bật nhất trong công tác xóa đói, nghèo của xã năm nay là tập trung giúp các gia đình xóa nhà tạm! Anh Hòa cho biết, được sự bảo trợ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hai đơn vị là Tập đoàn Viettel và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, mỗi đơn vị đã nhận hỗ trợ 100 hộ gia đình xóa nhà tạm.

Triển khai thực hiện, Ðảng ủy, UBND xã đã thông báo công khai đến các thôn bản, từ đó bình chọn lập danh sách các gia đình nhận tiền hỗ trợ, đồng thời yêu cầu các gia đình có phương án thi công với thời gian tiến hành cụ thể để chính quyền và các đoàn thể xã giúp đỡ và giám sát. Ðến hết tháng 8 này, đã có 91 gia đình khởi công và cơ bản đã hoàn thành, các hộ còn lại chủ yếu là đợi ngày cho hợp tuổi nên khởi công sau, nhưng hết năm nay bảo đảm sẽ có 200 gia đình thoát khỏi cảnh nhà tạm.

Ðến thăm gia đình anh Hoàng Văn Vy, dân tộc Tày ở thôn Lúng Búng, một trong những hộ được hỗ trợ làm nhà mới. Anh Vy tâm sự, vợ chồng có hai con đều còn nhỏ, đất ruộng ít nên cuộc sống rất khó khăn. Ngoài phần tiền được hỗ trợ, anh đã vay thêm gia đình, anh em để làm nhà, thế là từ nay đã thoát cảnh nơm nớp lo mưa bão. Nhìn ngôi nhà cấp bốn đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của gia đình anh. Cũng trong tâm trạng ấy, anh Trương Văn Chính và chị Hoàng Thị Ân thôn Tân Lập mừng rỡ, đón Tết Ðộc lập năm nay trong ngôi nhà mới khang trang. Niềm vui này không chỉ của riêng các anh chị mà nó còn là niềm vui chung của cả nhân dân thôn Tân Lập. Bởi nơi đây, 68 năm trước, đã diễn ra Quốc dân Ðại hội Tân Trào.

Ðể phát triển sản xuất, tăng vòng quay sử dụng đất, xã Tân Trào vừa hoàn thành việc xây dựng đập chứa nước Bốc Ngựu của thôn Mỏ Ché, bảo đảm tưới chắc hai vụ cho diện tích ruộng trong thôn. Hỗ trợ cho các hộ nông dân thôn Vĩnh Tân đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè với diện tích là 14,2 ha; hỗ trợ bốn mô hình chăn nuôi lợn và một mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Từ đây, sẽ được nhân rộng trong phát triển kinh tế hộ. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (tỉnh hỗ trợ xi-măng, ống cống, cước vận chuyển vật liệu và hai triệu đồng chi phí quản lý), xã đã huy động nguồn lực trong dân để thực hiện bê-tông hóa được hơn 12 km đường giao thông nông thôn và 407 m đường ngõ xóm. Hiện nay, đang tiến hành xây hai phai tràn; tập trung cao độ để hoàn thành quy hoạch chi tiết khu sản xuất hàng hóa tập trung: chuyên canh chè, lúa, cây ăn quả và làng nghề thổ cẩm phục vụ khách tham quan du lịch.

Rõ từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, là cách làm ở xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Yên Lâm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần đông là đồng bào Mông. Dù việc du canh du cư, phát rừng làm nương không còn xảy ra nhưng trình độ thâm canh vẫn còn thấp. Do vậy, số hộ nghèo còn cao, năm 2011 có tới 546 hộ nghèo và năm nay là 385 trong tổng số 954 hộ toàn xã. Ðồng chí Nguyễn Văn Vương, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã cho biết, mỗi tổ chức đoàn thể đều là thành viên ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của xã và được phân công phụ trách từng thôn. Các tổ chức này lại được giao phụ trách từng hộ. "Cầm tay chỉ việc"  là cách giúp hộ nghèo ở đây. Ngày mùa, góp công cày, cấy gắn với hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; nông nhàn hướng dẫn bà con phát huy thế mạnh đất rừng để trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy, chăn nuôi lợn, gà. Từng bước, chậm nhưng chắc nên không có hộ tái nghèo. Gia đình chị Vũ Thị Dung, thôn 68 là một thí dụ. Nhà chị đông người nhưng thiếu lao động. Ðất rừng nhà chị rộng trước toàn bỏ hoang. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay giống, vốn nay đã trồng được 3 ha rừng keo đang kỳ khép tán; chị còn phát triển chăn nuôi gà lợn theo hướng hàng hóa, nên nay cuộc sống đã bớt nhiều khó khăn.

Ðến nay, 95% số hộ nghèo trên dịa bàn tỉnh được vay vốn phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2012, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho 11.527 lượt hộ nghèo vay hơn 183 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ của các hộ nghèo lên 557 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động lồng ghép, tỉnh cũng đã xây dựng 573 mô hình hướng dẫn người nghèo cách làm ăn với hơn 5.000 hộ gia đình tham gia. Công tác khuyến nông ngày càng đi vào thực chất giúp các hộ thiếu kiến thức được tập huấn về cách làm ăn, thời vụ gieo trồng, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh.

Ðồng chí Lê Thị Dung, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, năm 2012, tỉnh giảm được 6,45% số hộ nghèo (từ 29,08% xuống còn 22,63%). Ðể có được kết quả này thì trước hết công tác rà soát, đánh giá phải thật sự khách quan, chính xác từ số hộ đến nguyên nhân nghèo, để có biện pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó, phải phát huy được vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động, hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát chương trình xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở.