Sản xuất tiêu dùng

Xuất khẩu vẫn gặp khó

Theo Bộ Công thương, tính chung tám tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Ðây là mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của năm 2017 và 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%). Ðáng lưu ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tám tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng đến 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao gần gấp hai lần so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chỉ đạt 4,6%; qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%). Ðánh giá tình hình trong những tháng cuối năm 2019, Bộ Công thương nhận định xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ,... Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018. Thêm nữa, ngành xuất khẩu chủ lực là nông sản cũng sẽ còn đối mặt nhiều thách thức do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Nhìn chung, dù có một số yếu tố thuận lợi để hỗ trợ, nhưng xuất khẩu thời gian tới chắc chắn vẫn gặp nhiều thách thức. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm đã đề ra, các chuyên gia kiến nghị cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, cần liên tục bám sát, theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc để có những phản ứng chủ động, kịp thời, nhất là điều hành tỷ giá, bảo đảm tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động phức tạp. Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội của Hiệp định thương mại tự do mang lại, đẩy mạnh giao thương, phát triển xuất khẩu như: cung cấp thông tin xúc tiến thương mại thị trường và ngành hàng; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam và doanh nghiệp; tư vấn, thiết kế phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế; hỗ trợ phát triển thị trường thông qua đẩy mạnh cơ hội kết nối giao thương giữa nhà xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia,...