Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

(Tiếp theo và hết) (*)

 

Dự án cầu Cửa Lục 1 (tỉnh Quảng Ninh) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: LƯƠNG QUANG THỌ
Dự án cầu Cửa Lục 1 (tỉnh Quảng Ninh) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: LƯƠNG QUANG THỌ

Bài 2 Quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn

Theo dự báo, trong năm 2021 những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, kinh tế của cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTÐBB) nói riêng tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các địa phương trong Vùng đều nỗ lực phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Ngay từ những ngày đầu năm, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ địa bàn an toàn trước dịch bệnh và giữ đà tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, cho đến nay, toàn bộ bảy tỉnh, thành phố trong Vùng KTTÐBB đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động. Trong đó, các địa phương đều xác định tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố đề ra ba kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó, kịch bản 1 được coi là kịch bản cơ sở, tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8%; kịch bản 3 tăng 7%. Hà Nội kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, nhất là các chỉ số thành phần còn thấp. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển 27.400 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 38.700 tỷ đồng, tăng 3% số DN và số vốn so với năm 2020. Thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai các dự án đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển, để thi công và giải ngân ngay từ đầu năm.

Cũng trong tháng 1, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, lựa chọn đối tác, lĩnh vực thu hút đầu tư theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn; quy định chính sách hỗ trợ mặt bằng cho DN nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Vĩnh Phúc với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, sẽ tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN: Tam Dương I khu 2, Tam Dương II khu 2, Sông Lô 2, Thái Hòa, Liễn Sơn để đón các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu "ba tốt", gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ DN tốt. Cuối năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư hướng đến các DN Hàn Quốc, Nhật Bản. Ðồng thời, đã ban hành Chiến lược thu hút vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; áp dụng nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư, các DN.

Năm 2021, tỉnh Hải Dương lấy chuyển đổi số để bứt phá. Tỉnh đã phối hợp Tập đoàn FPT thiết lập mô hình công nghệ quản lý số để đồng hành cùng DN trong quá trình xúc tiến đầu tư, thực hiện dự án và sản xuất, bảo đảm công khai, minh bạch và làm rõ trách nhiệm của những người gây khó dễ cho DN. Tỉnh sẽ hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho DN mới thành lập; hỗ trợ thương mại điện tử, hỗ trợ về giải pháp, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế

Xác định đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, các địa phương trong Vùng KTTÐBB đều xây dựng các chính sách để thực hiện nhiệm vụ này. Hà Nội hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và kêu gọi DN đầu tư vào KCN Nam Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trong năm 2021 hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 CCN. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01 ngày 16-11-2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Cụ thể, tỉnh phát triển các Khu kinh tế Quảng Yên, Móng Cái, Vân Ðồn, hoàn thành nạo vét luồng sông Chanh; giải quyết dứt điểm thủ tục về quy hoạch, đất đai, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN Việt Hưng, Ðông Mai, Sông Khoai, Ðầm Nhà Mạc, Hải Hà... Ðồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để ngành than phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường và tập trung giải quyết lượng than tồn kho. Tỉnh Hưng Yên tăng cường thu hút đầu tư; triển khai có hiệu quả Ðề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện hồ sơ Quyết định chủ trương đầu tư đối với KCN số 1, 3, Yên Mỹ II mở rộng và Thăng Long II giai đoạn 3, phấn đấu trong năm 2021 có từ hai đến ba KCN được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ 150 ha đất KCN. Triển khai các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu sản xuất cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử. Kết nối các DN của tỉnh với các DN cả nước để hình thành các chuỗi sản xuất mới ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Hải Phòng tập trung xây dựng và phát triển thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Nâng cao năng lực xếp dỡ; duy trì độ sâu luồng hàng hải để đón các tàu vận tải có trọng tải hơn 200 nghìn DWT; cùng với đó, rà soát quy hoạch, phát triển hệ thống kho bãi, các cảng cạn trên địa bàn. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia về đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không; phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, đường sắt nhằm giảm tải cho đường bộ. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế; kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải, logistics đường hàng không.

Với việc Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19, các địa phương trong Vùng đã có chính sách kích cầu du lịch, phát triển dịch vụ nhằm đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP. Sở Du lịch Hà Nội trong năm nay sẽ tổ chức đoàn khảo sát tại các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Ðức, Sóc Sơn, Ðông Anh… để xây dựng sản phẩm du lịch mới ở khu vực ngoại thành. Những sản phẩm đã được giới thiệu trong năm 2020 như tua du lịch đêm tại Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, mở rộng không gian phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm… sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện số hóa các điểm đến du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D, Flycam, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, quảng bá du lịch. Thành phố Hải Phòng cũng thúc đẩy triển khai xây dựng và hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm phát triển du lịch tại Cát Bà, Ðồ Sơn, từng bước xây dựng, khai thác, phát triển du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ. Tiếp tục đầu tư mới, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Bến tàu không số K15, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh… để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Phòng. Quảng Ninh tăng cường liên kết du lịch với các thành phố lớn trong nước, khai thác khu vực động lực phát triển du lịch: Hạ Long, Vân Ðồn, Uông Bí, Móng Cái, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở Bình Liêu, Ðông Triều...

Ðầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Cùng với các giải pháp tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTÐBB tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, kiên trì thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành chiến dịch 500 ngày đêm xây dựng đường cao tốc Vân Ðồn -Móng Cái dài hơn 80 km gồm hai dự án độc lập. Ðoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km, được thực hiện theo hình thức BOT. Ðoạn còn lại Vân Ðồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, được thực hiện bằng hình thức đầu tư công. Ngoài ra, hoàn thành đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3; nút giao Ðầm Nhà Mạc,...; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Ðồn. Rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, CCN mới, có lợi thế cạnh tranh do nằm bên các hành lang đô thị và giao thông tuyến phía tây và phía đông của tỉnh.

Tại Hà Nội, sau khi thông xe đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở, các đơn vị tiếp tục rốt ráo triển khai đoạn từ cầu Mai Ðộng - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng (phần đi bằng) có chiều dài tuyến hơn 3 km. Ðại diện nhà thầu cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị tổ chức cho 400 cán bộ, công nhân làm ba ca trong ngày, phấn đấu thông xe một bên tuyến đường trước Tết Nguyên đán 2021. Cùng với đó, các đơn vị đang tích cực thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương - đường Vành đai 3, dự án mở rộng, cải tạo đê Nghi Tàm từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... Tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021 tập trung vốn cho các dự án hạ tầng mới, các trục đường chính kết nối với Hà Nội và các tỉnh lân cận, qua đó thu hút khách du lịch ở các tỉnh phía bắc; đồng thời tạo động lực thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước vào đầu tư. Tỉnh Hải Dương đã lên kế hoạch giữa năm 2021 sẽ khởi công xây dựng tuyến đường trục đông - tây tỉnh dài khoảng 36,6 km, đi qua ba huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, nhằm tạo cú huých cho phát triển của tỉnh.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Ðảng, Quốc hội. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTÐBB cần tập trung tổng lực để hoàn chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế, xây dựng các giải pháp trọng tâm phù hợp thực tiễn địa phương, đặt trong bối cảnh quốc gia, quốc tế. Trong đó, tận dụng tốt những lợi thế, dư địa đã có, khắc phục những hạn chế, bất cập; sẵn sàng các giải pháp triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm năng lực tăng trưởng mới của các lĩnh vực được xác định là động lực trọng tâm trong năm 2021, nhằm lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giữ vững vị thế là một trong hai Vùng kinh tế trọng điểm dẫn đầu của cả nước.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19-1-2021.