Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, với sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của cả nước, tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới.

Du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: HỮU THẮNG
Du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: HỮU THẮNG

Bài 1: Thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”

Năm 2020, các địa phương trong vùng đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, triển khai kích cầu kinh tế kịp thời... Các giải pháp này đã từng bước khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng trong phát triển kinh tế, xã hội các địa phương, nhất là khi bước sang trạng thái bình thường mới.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Là vùng có độ mở giao thương lớn, có đường biên giới trên bộ, trên biển, đường hàng không, nhiều cửa khẩu quốc tế, nhiều trọng điểm du lịch..., khi dịch Covid-19 xảy ra, Vùng KTTĐBB là địa bàn từng xuất hiện nhiều ổ dịch nhất trong cả nước. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN, kéo tụt các chỉ tiêu tăng trưởng của các địa phương. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, cả hệ thống chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, tỉnh Hải Dương vào cuộc nhịp nhàng, truy vết các đối tượng F1, F2, khoanh vùng dập dịch hiệu quả. TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh chủ động duy trì ba tuyến phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ những người xuất, nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tỉnh Bắc Ninh thành lập tổ công tác hỗ trợ nhập cảnh, tiếp nhận, cách ly y tế các lao động là người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh. Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, các tỉnh, thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế… Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại lãi suất và thời hạn trả nợ cho các DN. Đến hết tháng 10-2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.192 khách hàng với tổng dư nợ là 43.324 tỷ đồng; miễn, giảm 67 tỷ đồng lãi suất cho vay cho 1.034 khách hàng, đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Tính đến 31-10-2020, tổng dư nợ cho vay đạt 445.684 tỷ đồng với hơn 37 nghìn lượt khách hàng. Cục Thuế Hà Nội đã triển khai kịp thời các chính sách giãn, giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ, với số tiền khoảng 7.200 tỷ đồng cho các DN, người nộp thuế gặp khó khăn do dịch bệnh. Tương tự, các ngân hàng trong tỉnh Hải Dương đã giãn thời hạn trả nợ cho 631 khách hàng với tổng dư nợ 1.885 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 13.583 khách hàng với số tiền 27.501 tỷ đồng. Sở Công thương Bắc Ninh phối hợp Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công thương hỗ trợ các DN tìm nguồn hàng nhập khẩu, nguyên liệu, vật tư để thay thế nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch bệnh; rà soát, tìm kiếm và thông tin giúp các DN mở rộng thị trường xuất khẩu.

Những giải pháp nêu trên đã kịp thời “tiếp sức”, giúp các DN từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty TNHH Cộng đồng 18-4 (xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) Trương Huy Hợi chia sẻ, công ty sản xuất đồ da tiêu dùng, trước khi xảy ra đại dịch, doanh số đạt 20 đến 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 200 người, trong đó có hơn 60% công nhân là người khuyết tật. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng chỉ còn hơn 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, trong lúc khó khăn, công ty được giảm tiền điện, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 77 triệu đồng không lãi suất để trả lương cho công nhân, cho vay một tỷ đồng để mua nguyên vật liệu sản xuất; giảm lãi suất trên tổng dư nợ…, đến nay, hoạt động của công ty đã phục hồi, doanh số bán hàng đạt hơn một tỷ đồng/tháng, từng bước mở rộng sản xuất, ngành hàng, tuyển thêm công nhân, ưu tiên nhận người khuyết tật đến làm việc.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ

Cùng với các giải pháp hỗ trợ DN, các địa phương triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Hải Phòng đã thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số PCI và xây dựng chính quyền điện tử. Các sở, ngành, đơn vị đều được phân công làm đầu mối, chủ động liên hệ với DN để nắm bắt, động viên và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào các DN có hoạt động xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị với các quốc gia trong vùng dịch, hoặc các DN có chuyên gia và lao động đến từ các quốc gia trong vùng dịch… Tỉnh Vĩnh Phúc thiết lập hệ thống đường dây nóng và chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ DN thứ sáu hằng tuần” để  tiếp thu các kiến nghị của tổ chức, cá nhân, DN, từng bước tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều năm đứng đầu toàn quốc về chỉ số PCI, tỉnh vẫn tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương và đến nay, tỉnh đã có 525 thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu toàn quốc; kết nối liên thông với bảy cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương...

Ngay khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất được kiểm soát, cuối tháng 6-2020, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển” với sự tham gia của 540 DN và gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại hội nghị này, thành phố đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn đăng ký là 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Trong đó, có 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng; 22 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số vốn 5,7 tỷ USD và 107 dự án đầu tư công. Số dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư ở hội nghị lần này tăng gấp năm lần so với số dự án tại hội nghị năm 2016, số vốn tăng 11 lần. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Trong năm 2020, Hà Nội đã bố trí hơn 215 tỷ đồng để triển khai 21 chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; khuyến công; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, kiến thức cho hộ kinh doanh; hỗ trợ DN thành lập mới…

Những chuyển biến mạnh mẽ, cách làm đột phá, sáng tạo của các địa phương giúp các nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm, thu hút đầu tư của cả bảy tỉnh, thành phố trong Vùng tiếp tục tăng trưởng. Tháng 10-2020, Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án lớn của nhà đầu tư TOTO (Nhật Bản) với tổng giá trị 100 triệu USD tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long 3. Tiếp đến, ngày 14-11-2020, Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Cảng cạn ICD-Vĩnh Phúc của Tập đoàn YCH HOLDING (Xin-ga-po) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký 165 triệu USD. Tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh vốn đầu tư cho 45 dự án trong nước và nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 24.109 tỷ đồng, trong đó có 28 dự án FDI. Tỉnh Bắc Ninh có 159 dự án FDI mới, với tổng vốn đầu tư 439,882 triệu USD.  TP Hải Phòng thu hút thêm 39 dự án FDI mới với số vốn hơn 1,1 tỷ USD và 25 dự án điều chỉnh tăng thêm hơn 428 triệu USD, đưa tổng vốn FDI của địa phương đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 21% so năm trước... Năm 2020, các DN trong KCN, khu kinh tế (KKT) Hải Phòng đạt doanh thu hơn 362 nghìn tỷ đồng, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, tăng 23% so năm 2019 và nộp ngân sách 8.819 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội năm 2020 đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019, thu hút 4 tỷ USD vốn FDI, 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; thành lập hơn 26,4 nghìn DN mới.

Triển khai nhiều giải pháp kích cầu kinh tế

Nhằm thu hút sự tham gia của các DN tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã cơ cấu lại chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi; ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong năm 2020, Hà Nội hoàn thành dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; dự án đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên… Đặc biệt, các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong Vùng được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thi công. Mới đây, TP Hà Nội đã hoàn thành, thông xe trước hai tháng so với kế hoạch nút giao Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn nhiều thời gian di chuyển của các phương tiện từ các tỉnh phía bắc và đông bắc về Hà Nội. Các công trình lớn như đường dẫn nối cầu Quang Thanh và đường dẫn cầu Dinh kết nối với quốc lộ 17 B của Hải Dương với TP Hải Phòng; đoạn tuyến nối đường tỉnh 389 B đến cầu Triều (Hải Dương) kết nối với tỉnh Quảng Ninh… đã được khởi công, ưu tiên nguồn vốn để sớm hoàn thành. Hải Phòng hoàn thành đúng tiến độ các công trình, dự án trọng điểm như Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng, công trình nút giao nam cầu Bính, chung cư HH3, HH4 Đồng Quốc Bình, Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hải Phòng…

Để bù đắp sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, các địa phương thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Hà Nội đã hỗ trợ về mặt bằng sản xuất trong 70 cụm công nghiệp (CCN) cho khoảng 3.600 DN đang hoạt động. Thành phố kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 CCN, tổng diện tích hơn 1.016 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các DN trong thời gian tới. Tỉnh Quảng Ninh áp dụng những cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Đến nay, KCN Đông Mai rộng hơn 167 ha đã được Tổng công ty Viglacera hoàn thành đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, thu hút 18 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 350 triệu USD, đạt tỷ lệ lấp đầy 72%. Trong đó có nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia chế tạo, sản xuất các sản phẩm thương hiệu hàng đầu thế giới. Quảng Ninh đang tập trung phát triển KCN Việt Hưng theo hướng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh “ba trong một” là KCN - đô thị - dịch vụ. Mới đây, tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ô-tô Thành Công Việt Hưng được khởi công xây dựng trên quy mô 340 ha, không chỉ cung cấp thiết bị cho ngành sản xuất ô-tô trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu.

Là vùng có nhiều trọng điểm du lịch, trước những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, ngành du lịch các địa phương đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng các sản phẩm du lịch mới để kích cầu người dân trong nước đi du lịch. Trên địa bàn Hà Nội, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra đời hai sản phẩm du lịch đêm gồm: “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”, Vườn quốc gia Ba Vì mở dịch vụ “Trải nghiệm bằng khinh khí cầu”, quận Hoàn Kiếm mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối với hồ Hoàn Kiếm…, tăng tính trải nghiệm cho khách, giúp Hà Nội thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch.

Hải Phòng và Quảng Ninh - hai trọng điểm du lịch biển ở miền bắc - cũng chuyển hướng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, di tích văn hóa, lịch sử… nhằm thu hút khách du lịch. Hải Phòng đã khánh thành tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, đón nhận Bằng công nhận Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, tạo thêm điểm nhấn trong du lịch văn hóa - lịch sử. Hải Phòng khai trương tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long (Cát Bà), đồng thời đưa vào hoạt động dự án Flamingo Cát Bà Beach Resort trị giá hơn 2.400 tỷ đồng, khởi động nhiều dự án du thuyền nghỉ đêm cao cấp trên vịnh Lan Hạ, tạo sức hút cho du khách trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh Quảng Ninh, ngoài việc ban hành ba nghị quyết với các gói hỗ trợ kích cầu du lịch lên đến hàng trăm tỷ đồng, đã đưa ra một số sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen Quang Hanh, lễ hội Yên Tử - Về miền đất phật mùa thu... Ngoài ra, tỉnh tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc như lễ hội Trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ, Hội hoa sở ở huyện Bình Liêu, Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng đông bắc ở Tiên Yên..., giúp Quảng Ninh đón 8,8 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Những giải pháp nêu trên đã giúp kinh tế của bảy tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐBB trụ vững trong năm 2020, đều đạt mức tăng trưởng kinh tế dương. Trong đó, Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, với tăng trưởng GRDP hơn 10%, tiếp đó là Hưng Yên, Hà Nội đều cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,5 đến hơn ba lần. Kinh tế phát triển giúp các địa phương đóng góp tích cực cho ngân sách cả nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

(Còn nữa)