Vai trò thiết yếu trong bảo vệ người gửi tiền

Được thành lập từ năm 1999, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã nỗ lực từng bước chứng minh vai trò thiết yếu trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Hiện nay, BHTGVN có trụ sở chính tại Hà Nội và tám chi nhánh ở các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Với nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, đến năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt gần 58 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể, giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. BHTGVN đã luôn bám sát các quy định của Nhà nước và định hướng mục tiêu của ngành ngân hàng, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như quản lý, đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi; chi trả tiền gửi được bảo hiểm và tham gia quản lý, thanh lý tài sản; tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém,… đặc biệt là triển khai các quy định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia thẩm định đề án phục hồi TCTD yếu kém, tăng vốn điều lệ,...

Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi bằng VNĐ của cá nhân tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG trên toàn quốc, bao gồm: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng HTX, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. BHTG là quy định bắt buộc đối với các TCTD nhận tiền gửi, tuy nhiên, người gửi tiền không phải nộp phí BHTG, phí này do tổ chức nhận tiền gửi đóng cho BHTGVN theo quy định. Khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, phá sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm. BHTGVN thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chi trả cho người gửi tiền trong hạn mức BHTG. Hạn mức BHTG được xác định trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm được cho phần lớn người gửi tiền, nhưng phải bảo đảm có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Với hạn mức BHTG theo quy định là 75 triệu đồng, BHTGVN có khả năng bảo vệ phần lớn người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế. Phần vượt hạn mức, người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tổ chức tham gia BHTG. Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Người gửi tiền còn được BHTGVN bảo vệ gián tiếp gắn với “vòng đời” của tổ chức tham gia BHTG từ lúc được thành lập cho đến khi rút khỏi thị trường thông qua các nghiệp vụ BHTG khác nhằm góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2. Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt trong quá trình này là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 đã trao cho BHTGVN trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Cụ thể, BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, theo chỉ định của NHNN.

Đến nay, BHTGVN đã hoàn thành tổng kết 5 năm thi hành Luật BHTG, đề xuất các nội dung liên quan để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD, cũng như thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo quyết định của NHNN. Những năm qua, BHTGVN không những chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, mà còn phát huy vị thế, uy tín của tổ chức đối với các đối tác quốc tế. Là thành viên tích cực của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC)..., những đóng góp thiết thực của BHTGVN đã góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức BHTG trên thế giới, từ đó giúp BHTGVN tận dụng được kiến thức và kinh nghiệm quốc tế để ngày càng hoàn thiện mô hình BHTG hiệu quả tại Việt Nam.

Trong vai trò là tổ chức thay mặt Chính phủ, NHNN bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, trong giai đoạn tiếp theo, BHTGVN đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Có thể nói, BHTGVN đã và đang góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống các TCTD, ngày càng khẳng định vị thế là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền. Để sử dụng nguồn lực tốt hơn trong các nhiệm vụ được giao, BHTGVN cần nỗ lực hơn nữa nhằm thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng Việt Nam.