Góc nhìn

Trị “bệnh” chậm cổ phần hóa DNNN

Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5-1-2019 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác cổ phần hóa (CPH) thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN), phấn đấu hoàn thành kế hoạch theo danh sách ban hành tại Văn bản số 991/TTg-ĐMDN.

Đối với các trường hợp không hoàn thành, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn, có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn. Riêng đối với các DN không có khả năng hoàn thành kế hoạch vì lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm kế hoạch đề ra. Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ CPH, phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-1-2019. Chỉ thị 01 cũng nêu rõ tiến độ, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt và các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát. Những trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, phải chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31-3-2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có hai bộ thực hiện nghiêm túc việc bàn giao DN chậm CPH về SCIC, các bộ, ngành, địa phương còn lại chưa bàn giao hết, thậm chí chưa bàn giao DN nào theo đúng quy định. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục DN có văn bản xin lùi tiến độ CPH, thoái vốn, trong đó có những tên tuổi lớn như Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO 1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO 2)…

Nguyên nhân chậm CPH, một phần là do những khó khăn khách quan. Đó là nhiều DN thuộc diện CPH có quy mô lớn, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình định giá tài sản, nhất là đất đai. Một số DN có những đơn vị trực thuộc làm ăn thua lỗ, phải chờ phương án xử lý tài chính… Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân không nhỏ từ chính sự chậm trễ trong công tác triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, mà cụ thể là sự thiếu quyết tâm của người đứng đầu.

Diễn biến này có thể khiến cho tiến độ CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) càng chậm so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng mục tiêu chung sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN. Trong thời gian từ nay đến năm 2020, Bộ Tài chính cần phối hợp các bộ, ngành liên quan tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Nghị định 167/2017/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-CP liên quan công tác CPH, thoái vốn tại DNNN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thận trọng các đề xuất xin lùi tiến độ CPH, thoái vốn, không để tạo ra tiền lệ xấu ảnh hưởng đến chủ trương lớn.