Trà Vinh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, kết quả công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, năm 2019, PCI của Trà Vinh xếp hạng thứ 58/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chỉ số đào tạo lao động tiếp tục đứng vị trí cuối bảng 63/63.

Học sinh THPT tìm hiểu về cơ hội học tập, việc làm trong Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp tại Trường đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Học sinh THPT tìm hiểu về cơ hội học tập, việc làm trong Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp tại Trường đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).

Nguyên nhân do hơn 95% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng lao động dưới 100 người. Mỗi năm, tỉnh có khoảng 30 nghìn lao động cần việc làm nhưng các doanh nghiệp chỉ thu nhận khoảng 15 nghìn người. Các doanh nghiệp ở nông thôn chủ yếu đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp, tập nghề tại nơi sản xuất, vừa tốn chi phí đào tạo vừa phải trả lương học việc cho người lao động dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực kém.

Ðể khắc phục hạn chế, tỉnh tập trung các giải pháp phát huy vai trò của các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; giao chỉ tiêu giới thiệu việc làm hằng năm cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện. Ðồng thời, cơ quan chức năng tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, xây dựng đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm, ấp, tổ dân cư. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động lĩnh vực dịch vụ việc làm.

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lao động, vận động doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc, tăng tiền lương và các khoản thu nhập ngoài lương. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề tích cực đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo nghề; liên kết với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, sát hạch và sử dụng lao động sau khi đào tạo.

* Tỉnh Hậu Giang phấn đấu giai đoạn 2021- 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%/năm; đối với xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số giảm 2%/năm. Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang còn hơn 10 nghìn hộ nghèo, chiếm gần 5% và gần 9 nghìn hộ cận nghèo, chiếm hơn 4% dân số toàn tỉnh.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hậu Giang xác định phải tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhất là người nghèo, về các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, để người nghèo hiểu và đồng tình tham gia thực hiện. Tỉnh tạo điều kiện cho người nghèo có ý thức vượt khó, chủ động phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cơ sở. Ðồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp để vận hành có hiệu quả công tác giảm nghèo.

Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp ủy đảng, chính quyền hướng dẫn người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo, cận nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.