TP Hồ Chí Minh nỗ lực giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, cho nên nhiều chỉ số kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong sáu tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, hoặc có mức tăng thấp hơn so cùng kỳ năm 2019. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, thành phố quyết tâm không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2020, góp phần cùng cả nước duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) đang được khẩn trương thi công để có thể hoàn thành vào cuối năm 2021.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) đang được khẩn trương thi công để có thể hoàn thành vào cuối năm 2021.

Nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm

Sáu tháng đầu năm, phần lớn các chỉ số kinh tế của TP Hồ Chí Minh đều giảm mạnh, hoặc có mức tăng trưởng rất thấp so cùng kỳ năm 2019. Theo thống kê của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng khoảng 2% (cùng kỳ tăng 7,86%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 614 nghìn 591 tỷ đồng, giảm 3,7% (cùng kỳ tăng 12,2%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 9,2%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh, chỉ tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 9,4%)… Ngành du lịch thành phố chịu tác động nặng nề nhất do dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 1,3 triệu người, giảm 69,3% so cùng kỳ và chỉ bằng 14,49% kế hoạch năm; tổng doanh thu toàn ngành chỉ đạt khoảng 28.395 tỷ đồng, giảm 58,1%, chỉ đạt 19,3% kế hoạch năm. Ngành vận tải hành khách cũng sụt giảm rất mạnh, số lượng khách đến và đi tại ga Sài Gòn ước đạt 408.417 người, giảm 44% so cùng kỳ, số chuyến tàu cũng giảm 26%; số lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ước đạt 9,38 triệu người, giảm 44,8%... Chỉ số phát triển công nghiệp chỉ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 7%). Trong đó, ngành cơ khí giảm 12,1%; sản xuất các cấu kiện kim loại đúc sẵn giảm 33,76%; ngành sản xuất đồ uống giảm 4,5% (cùng kỳ tăng 7,2%). Các DN trong Khu Công nghệ cao thành phố cũng bị ảnh hưởng không ít, ước giá trị sản xuất trong sáu tháng qua của các DN đạt 7,451 tỷ USD, giảm 5,8% so cùng kỳ và đạt 37,2% kế hoạch năm (giá trị xuất khẩu đạt 6,946 tỷ USD, giảm 2,6% và giá trị nhập khẩu đạt 5,979 tỷ USD, giảm 24,2%).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 20-6, toàn thành phố có 18.493 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 246.180 tỷ đồng (giảm 11% về số DN và giảm 24,8% về vốn đăng ký so cùng kỳ). Đáng chú ý, hơn 2.500 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 11%; có 8.329 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 40,57% so cùng kỳ. Dự báo, số lượng DN giải thể, tạm ngưng hoạt động có thể tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) giảm mạnh, tổng vốn thu hút chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 34,73% so cùng kỳ.

Trong bối cảnh chung đó, hoạt động tín dụng cũng trầm lắng theo. Tính đến cuối tháng 6-2020, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,12% (cùng kỳ tăng khoảng 6%); tổng dư nợ tín dụng đạt 2,35 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,52% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng khoảng 7,5%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh sụt giảm, ngừng trệ, hệ quả là nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng không đạt theo yêu cầu, kế hoạch đã đề ra. Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 8-7, thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan thành phố chỉ đạt hơn 50.103 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ, bằng 44% so với chỉ tiêu pháp lệnh năm 2020. Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 164.513 tỷ đồng, chỉ đạt 40,54% dự toán năm, giảm 13,71% so cùng kỳ. Trong đó, giảm mạnh nhất là nguồn thu từ dầu thô (giảm 47,42%); thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm 17,77%; thu nội địa chỉ đạt 39,43% dự toán, giảm 8,83%...

Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp

Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Duy Minh cho biết, để duy trì, nuôi dưỡng nguồn thu, ngành thuế sẽ tăng cường thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nộp thuế trong sáu tháng cuối năm 2020. Theo đó, Cục Thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng thời gian quy định; tiếp tục kiến nghị các chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế để UBND thành phố xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ DN, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; tiếp tục phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện để triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp nuôi dưỡng, quản lý nguồn thu, gia hạn thuế, thành phố vẫn có biện pháp để bảo đảm thu đúng và đầy đủ các nguồn thu cho ngân sách nhà nước; triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế theo từng lĩnh vực, ngành để chống gian lận thuế, gian lận thương mại… Bên cạnh đó, thành phố sẽ điều hành ngân sách theo hướng tiết kiệm, đúng chế độ, hạn chế các đoàn đi công tác trong nước và nước ngoài, thực hiện họp trực tuyến đối với 90% hoạt động, nhất là kiên quyết cắt giảm các khoản chi mua sắm. Với quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu phát triển, hoàn thành tốt dự toán thu ngân sách nhà nước được giao, UBND thành phố sẽ thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới nhằm khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung kích cầu tiêu dùng, chú trọng mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề trong việc liên kết chặt chẽ chuỗi cung ứng nội địa, tập trung khai thác thị trường trong nước. Đồng thời, công tác giải ngân vốn đầu tư công được thành phố xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Theo đó, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích, thu hút đầu tư xã hội hiệu quả hơn, phấn đấu đến tháng 10-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt hơn 80% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, triển khai nhóm giải pháp giúp DN nhỏ và vừa tồn tại, phát triển và tránh phá sản; bảo đảm các DN này tiếp cận được nguồn vốn với thủ tục nhanh nhất và đạt hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn; mời gọi sự chung tay, tiếp sức của các DN, tập đoàn kinh tế lớn của thành phố giúp đỡ DN vừa và nhỏ theo hướng đôi bên cùng có lợi trong hợp tác như hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu mới, tìm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề… Có kế hoạch cụ thể hỗ trợ DN du lịch xúc tiến, phát triển du lịch nội địa, du lịch gắn với ngành vận tải, tháo gỡ các điểm nghẽn các dự án bất động sản, đấu giá đất đai… Thành phố cũng cam kết có chính sách hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ cao, chuyển sang kinh tế số, đổi mới máy móc - thiết bị… Trong đó, phát huy vai trò của Tổ Công tác hỗ trợ DN (thuộc UBND thành phố) trong nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội và hỗ trợ cho người lao động trong tình hình dịch Covid-19. Tổ công tác này còn phải là cầu nối hiệu quả giữa DN với ngân hàng, cơ quan thuế, giữa DN với DN để sử dụng sản phẩm của nhau; xúc tiến thương mại trực tuyến với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam…