Tổng kết 10 năm Xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL

NDO -

NDĐT - Ngày 14-9, tại Bạc Liêu, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ trong việc tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Phó Thủ tướng đề nghị từng địa phương rà soát lại, so sánh với các địa phương khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng, từ đó đưa ra phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các địa phương phải phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng, đồng thời phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh báo cáo tại hội nghị cho biết: Sau hơn chín năm triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hai vùng, nhất là Đông Nam Bộ có 874 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 7/19 tỉnh đã đạt vượt mục tiêu xã nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ giao (Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu), trong đó có hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt gần 932.500 tỷ đồng cao nhất cả nước; hạ tầng không ngừng được đầu tư, kinh tế liên tục phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân với tỷ lệ các xã đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở khu dân cư đều cao hơn nhiều so với bình quân cả nước…

Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng nhìn chung còn hạn chế, chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế và một số tỉnh có dấu hiệu chững lại; cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuy có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối; nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng nhưng phát triển theo hướng quy mô lớn còn ít, tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa; năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện; hợp tác xã nông nghiệp còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng…