Tín dụng cần tiếng nói chung

Sau ba quý mà tổng tín dụng cho vay mới chỉ tăng khoảng bằng một nửa so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2014. Dường như chưa khi nào tăng trưởng tín dụng lại khó khăn đến vậy.

Trong bối cảnh ở cấp vi mô thì phần lớn vốn của doanh nghiệp (DN) đều trông chờ vào nguồn vay tín dụng ngân hàng còn ở cấp vĩ mô thì khó có thể nói đến tăng trưởng kinh tế mà thiếu tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, tín dụng tăng trưởng chậm làm dấy lên mối quan ngại nhiều chiều, nhiều cấp và thúc đẩy tăng tín dụng đôi khi trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

DN, nhất là DN ngoài Nhà nước mà phần lớn là DN nhỏ và vừa liên tục phàn nàn về lãi suất cho vay quá cao, về điều kiện tiếp cận tín dụng quá khó khăn, về các ngân hàng thừa tiền song không chịu cho DN vay, về các tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng hành, chia sẻ với DN, về lợi nhuận cao của các TCTD trong khi hàng chục vạn DN kinh doanh thua lỗ, thậm chí phải giải thể, dừng hoạt động,... Ngược lại, không ít TCTD kể khổ khi vẫn phải đều đều trả lãi cho các khoản huy động mà cho vay không được, phải "đốt đuốc giữa ban ngày" đi tìm khách hàng tốt, dự án vay khả thi, rủi ro tín dụng tăng cao đi đôi với gánh nặng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro vẫn đang đeo đẳng,...

Bên nào cũng khăng khăng mình đúng với những lý lẽ không kém phần thuyết phục của mình nên kết quả là dòng vốn được ví như động mạch chủ của nền kinh tế nước ta tiếp tục tắc nghẽn. Rất nhiều DN không thể sống chứ chưa nói đến lớn lên nếu bị cắt nguồn tín dụng và các TCTD với vai trò là trung gian tài chính cũng không thể tồn tại nếu không thể cho vay. Rõ ràng mối quan hệ giữa TCTD với DN - khách hàng quan trọng hàng đầu của TCTD - là cộng sinh, là phụ thuộc lẫn nhau một cách biện chứng, logic và hợp lý. Tuy nhiên, thực tế là các DN và TCTD đang chưa tìm được tiếng nói chung, đổ lỗi lẫn nhau về nguyên nhân chủ yếu làm tín dụng ách tắc.

Đã đến lúc, cộng đồng DN và hệ thống TCTD phải ngồi lại với nhau, bắt tay nhau cùng nỗ lực tháo gỡ những rào cản, tìm ra nguyên nhân khiến dòng chảy tín dụng bị nghẽn, lệch hướng và cùng tìm ra giải pháp khắc phục. Mô hình hội nghị liên kết giữa DN với ngân hàng do chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, mô hình liên kết bốn nhà giữa ngân hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp vật liệu xây dựng với nhà thầu xây dựng, chủ trương tăng cường cho vay tín chấp,... đang là những thử nghiệm theo hướng này. Chúng ta cần nhiều mô hình mới nữa, có hiệu quả cao hơn, phù hợp hơn với từng bộ phận DN, từng nhóm TCTD để tiếng nói chung của DN và TCTD to hơn, mạnh hơn, cụ thể và khả thi hơn, biến thành hành động thực tiễn nhiều hơn.