Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 4: Cần bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước

Không cách nào khác, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) buộc phải hoạt động thật sự hiệu quả, dẫn đầu về quy mô, mức độ đóng góp vào GDP và nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thể chế quản lý, quản trị DNNN hiện nay đẩy DNNN vào tình thế bị giằng xé giữa nhiều lợi ích, với yêu cầu hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chính, phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, đồng thời vẫn phải gánh vác các nhiệm vụ chính trị. Dưới đây là ý kiến một số chuyên gia kinh tế, kiến nghị tháo gỡ m

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*)

Giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể như với DN tư nhân

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*) ảnh 1

Chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của một DN là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). So với khu vực DN tư nhân và DN FDI, thì ROE của khu vực DNNN thấp hơn. Nguyên nhân vì đối với DN tư nhân và DN FDI, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm bao giờ cũng được Đại hội đồng cổ đông thông qua bằng nghị quyết. Theo đó, giao cho cơ quan điều hành các chỉ tiêu cụ thể về lợi nhuận, tỷ lệ chia cổ tức, nếu cuối năm không đạt mục tiêu đề ra, cơ quan điều hành phải giải trình và lý do không hợp lý sẽ bị Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm. Nhưng DNNN hiện nay không có chế tài đó. Chủ sở hữu nhà nước chỉ giao nhiệm vụ chung chung là “bảo toàn và phát triển vốn”, tức là giao cho DN 100 đồng, nếu sang năm vốn chủ sở hữu của DN đó vẫn là 100 đồng tức là đã bảo toàn vốn, nếu đạt 101 đồng cũng là phát triển vốn rồi, vì không giao cụ thể phát triển bao nhiêu. Các quy định của pháp luật hiện nay chưa đặt ra kế hoạch mang tính bắt buộc để người điều hành DNNN phải thực hiện mục tiêu đạt ROE ở mức cụ thể nào. Các kết quả chỉ được thống kê khi hết năm tài chính, thay vì đề ra ngay từ đầu năm. Đây chính là một bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường bình đẳng như các DN khác. Các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng an ninh, bình ổn thị trường, an sinh xã hội,… phải lấy nguồn từ ngân sách để thực hiện. Nếu giải quyết được hai vấn đề cơ bản này thì hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ cao lên. Ngoài ra, cần quan tâm đến thu nhập chính đáng của đội ngũ lãnh đạo và người lao động trong DNNN.

NGUYỄN HỮU QUANG Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Thiết lập bộ chỉ số riêng cho DNNN

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*) ảnh 2

Điều kiện tiên quyết đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện thể chế, bởi đó là vấn đề rất quan trọng liên quan quản lý DNNN. Các DNNN phải làm nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích, cho nên Luật DN như một “cái vung” áp dụng chung cho cả ba loại hình DNNN, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khó mà bao quát hết. Dứt khoát trong giai đoạn tới, cần có bộ tiêu chuẩn nguyên tắc về quản trị DNNN, nếu áp dụng nguyên quản trị của tư nhân vào, sẽ rất khó cho họ làm. Đồng thời phải xây dựng ngay bộ tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN để bảo đảm sự công bằng. Trong đó, phần nào là hoạt động công ích, phần nào là hoạt động kinh doanh thương mại, phải tách riêng, không gộp chung vào một như hiện nay. Bộ tiêu chí này, ngoài đánh giá hiệu quả về kinh tế dựa trên doanh thu, lợi nhuận, phải có bộ tiêu chí về đánh giá sự đóng góp của họ đối với nền kinh tế, cụ thể là giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước,... Tôi cho rằng, nếu đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN đang giảm thì chưa chính xác. Đúng là khu vực này đang giảm nhưng chủ trương của chúng ta là giảm dần sở hữu nhà nước tại DN thì đương nhiên quy mô và đóng góp của DNNN vào ngân sách so với khu vực DN khác giảm đi, và đó là định hướng chứ không thể nói họ kém hiệu quả. Trong quan niệm của xã hội và nhiều nhà quản lý hiện nay vẫn nghĩ DNNN kém hiệu quả, DNNN làm ăn thiếu công khai minh bạch, tôi cho rằng cần đánh giá công bằng hơn, vì khu vực DN này bị ràng buộc bởi nhiều thứ, từ tuyển dụng, đến cơ chế lương, quyết định đầu tư,… Về lâu dài, muốn tạo sự bình đẳng hơn và để DNNN làm đúng, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, phải tách bạch nhiệm vụ kinh doanh, làm kinh tế với nhiệm vụ liên quan đến công ích, xã hội, chính trị.

TS CẤN VĂN LỰC Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - BIDV

Kinh doanh phải chấp nhận lúc thắng, lúc thua

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*) ảnh 3

Chức năng của DNNN là công cụ, là lực lượng vật chất Nhà nước sử dụng để bổ khuyết, giải quyết những khuyết tật thị trường. Bởi thị trường không phải lúc nào cũng phục vụ hết lợi ích của quốc gia, của cộng đồng và sự phát triển. Chính vì vậy, Luật số 69/2014/QH2013 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN quy định: Nhà nước tập trung đầu tư vốn vào DNNN trong bốn lĩnh vực, một là các hàng hóa dịch vụ công cộng mang tính chất phục vụ (y tế - giáo dục, giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước,…); hai là lĩnh vực liên quan công nghiệp quốc phòng; ba là lĩnh vực nhà nước độc quyền tự nhiên (viễn thông đường trục, vệ tinh, khai thác dầu mỏ,...); bốn là những lĩnh vực cần thiết để nền kinh tế phát triển nhưng không hấp dẫn, tư nhân chưa muốn làm hoặc không thể làm thì nhà nước phải làm để tạo đột phá. Như vậy, quá trình sắp xếp DNNN cần tuân thủ bốn lĩnh vực này, tránh tình trạng những lĩnh vực Nhà nước cần làm thì không làm, lĩnh vực cần thoái vốn lại không thoái, tức là phải bắt đầu từ chức năng của DNNN mà luật đã thể hiện. Chúng ta không nên nói DNNN dẫn dắt một cách chung chung, trong bốn lĩnh vực đó, chức năng của DNNN trong từng lĩnh vực là khác nhau, phải tính toán theo từng lĩnh vực để xác định DNNN tham gia thế nào. DNNN đang vướng phải nhiều rào cản khó vượt qua, thí dụ trong kinh doanh, DN tư nhân có thể thất bại ba đến năm thương vụ, chỉ cần thắng một thương vụ lớn bù vào là được, nhưng DNNN không được theo cơ chế đó. Hơn nữa, cơ chế bó buộc năm sau phải lãi hơn năm trước, không lãi thì giảm lương, giảm thưởng dẫn tới không thể phát triển được. Kinh doanh đâu có đơn giản, mỗi dự án đầu tư phải chấp nhận lỗ kế hoạch ít nhất hai đến ba năm. Nới lỏng thì sợ thất thoát như Vinashin trước đây, cho nên siết lại, nhưng siết đến mức không làm được thì DN đành ngồi chơi, mâu thuẫn này đến nay chưa gỡ được.

TS TRẦN DU LỊCH Chuyên gia kinh tế

Tư duy phải thị trường hơn

Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*) ảnh 4

Trước đây, DN tư nhân thường kêu ca bị đối xử không bình đẳng, còn hiện nay, chính DNNN lại chỉ mong được đối xử bình đẳng như DN tư nhân. Điều này cho thấy, chúng ta đang duy trì một thể chế vừa kìm hãm tư nhân, vừa không thể phát triển được DNNN. Đó là thể chế kéo lùi sự phát triển kinh tế, bởi DN trong nước chính là lực lượng chủ yếu để phát triển kinh tế đất nước. Luật số 69/2014/QH2013 quy định thẩm quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà thực chất, mười mấy quyền đó là quyền của chủ sở hữu. Cơ quan quản lý vẫn can thiệp vào hoạt động của DN, giống như chiếc xe đang tăng ga chạy nhanh lại bị đạp phanh để chậm lại. Quản trị DN là vấn đề rất quan trọng nhưng thiết kế hiện nay sai từ gốc, hoàn toàn không đúng với tinh thần và chuẩn mực mà chúng ta hướng tới, cho nên DN không có quyền tự chủ kinh doanh. Đây là điểm cần thay đổi. Tư duy cũng phải thị trường hơn, trước kia, chúng ta không có cơ sở thay đổi nhưng nay đã có đủ điều kiện, sửa sai phải từ gốc để có sự bứt phá. Đơn cử, khi thoái vốn DN, không có ai mua thì không sao, nhưng nếu rất nhiều người mua và một tuần sau đó cổ phiếu lên giá là lập tức đặt dấu hỏi, có phải lãnh đạo cố ý làm thất thoát tài sản nhà nước hay không? Hoàn toàn không phải. Giá là do thị trường quyết định, nếu cứ xem xét với tư duy cũ như vậy, sẽ biến thương vụ tốt thành thương vụ xấu, biến người tốt, người có động lực thay đổi thành con người có khả năng vi phạm pháp luật. Trường hợp này, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, kiểu gì cũng tìm ra được sai sót. Như vậy, vô hình trung chúng ta đang đẩy tiến trình cổ phần hóa theo hướng “cứ từ từ mà làm, làm thận trọng hơn làm nhanh, hiệu quả” như thực tế đang diễn ra. Nếu tư duy này không thay đổi, DNNN không có động lực tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa để hoạt động hiệu quả hơn.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH CUNG Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

---------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 26, 27 và 28-6-2019.

* Bài 3: “Cởi trói” cho doanh nghiệp
* Bài 2: Khó khăn bủa vây
* Bài 1: Trăn trở vai trò dẫn dắt