Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đang đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN); vai trò của kinh tế nhà nước trong 10 năm qua và xác định quan điểm, phương hướng của giai đoạn 10 năm tới. Quan điểm của CIEM là phải tìm lại sức mạnh cho khu vực DNNN, bởi nguồn lực nhà nước trong các doanh nghiệp (DN) còn rất lớn. Với quy mô tài sản hiện lên đến hơn ba triệu tỷ đồng, nếu DNNN tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1% thì GDP có thể tăng thêm 0,8% đến 0,9%. Có động lực, DNNN sẽ phát triển “bùng” lên, hoàn toàn có thể đưa GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 8 đến 9%/năm trong giai đoạn tới thay vì 5 đến 6%/ năm như hiện nay.

Công nhân Điện lực huyện Ba Bể (Bắc Cạn) sửa chữa đường dây.
Công nhân Điện lực huyện Ba Bể (Bắc Cạn) sửa chữa đường dây.

Bài 3: “Cởi trói” cho doanh nghiệp

Tâm tư của những “ông lớn”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang từng có một thời gian đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem). Ông Quang cho rằng, từ khi tất cả các loại hình DN hoạt động theo một luật chung là Luật DN 2015, thì DNNN không còn cơ chế ưu đãi như trước đây, có chăng chỉ là chút thuận lợi trong tiếp cận vốn để thực hiện các dự án, công trình được chỉ định. Tinh thần của luật là bình đẳng nhưng trên thực tế, DNNN vẫn phải có trách nhiệm tham gia nhiệm vụ chính trị, bình ổn giá, an sinh xã hội... “Tôi cho rằng, đây chính là điểm không công bằng đối với DNNN. Những nhiệm vụ này rõ ràng không đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng vẫn giao họ làm và cuối cùng đánh giá chung là khu vực DNNN điều hành kém, hoạt động không hiệu quả. Trước hết, DNNN phải là một DN, chúng ta chưa phân biệt được DN hoạt động theo Luật DN và tổ chức tham gia các nhiệm vụ chính trị”, ông Quang nói.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam chia sẻ: Giai đoạn 2011 - 2020, EVN luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, thậm chí một số chỉ tiêu còn hoàn thành vượt mức, sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 10%, chỉ tiêu tổn thất điện năng giảm xuống 6,83%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực,... Đặt trong bối cảnh EVN phải làm nhiệm vụ công ích, kéo điện lưới đến tất cả các đảo, vùng sâu, vùng xa khó khăn thì kết quả này là hết sức quan trọng. Để cung cấp điện lưới cho đồng bào miền núi, EVN phải lắp đặt hàng trăm ki-lô-mét đường dây, giá thành kéo điện của 1 kW giờ lên tới 4.000 đồng, nhưng chỉ được bán quanh mức 2.000 đồng/kW giờ, phải vài chục năm sau mới thu hồi được vốn. Những dự án này của EVN chính là công cụ để Chính phủ điều hành, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng khi đánh giá về DNNN nói chung và về EVN nói riêng, thường chẳng ai nhớ đến những đóng góp này. “Khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của DNNN, phải phân khúc theo đặc thù và nhiệm vụ của từng DN. Nếu đánh giá DN hoạt động chưa hiệu quả, cần phân tích nguyên nhân do cơ chế, chính sách còn bất cập hay do năng lực của bộ máy lãnh đạo. Nếu chỉ đánh giá chung chung là DNNN hoạt động chưa hiệu quả, bao nhiêu công lao của DNNN sẽ đổ xuống sông, xuống biển hết”, ông Nam tâm tư.

Đã đến lúc cần đặt câu hỏi, Nhà nước hướng đến mục tiêu gì ở DNNN, hiệu quả kinh tế hay mục đích công ích, chính trị? “Nếu đa mục tiêu thì rất khó hoàn thành, khó đánh giá hiệu quả. Nhiều DN rất khổ tâm vì giằng xé giữa nhiều mục tiêu, không biết ưu tiên cái gì và bị đánh giá là hoạt động chưa hiệu quả. Bóc tách chức năng kinh doanh với nhiệm vụ công ích, thì sẽ rõ được vai trò và hiệu quả của DNNN. Vì thế, tôi cho rằng cần xây dựng một nghị định riêng cho DNNN để chi tiết hóa vấn đề này”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu quan điểm.

Trong một hội thảo về xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh đã lên tiếng “đòi” được bình đẳng với DN tư nhân. Theo ông Thanh, chủ trương xã hội hóa đầu tư cảng hàng không, nếu “cắt” hạng mục có tính thương mại cao như nhà ga hành khách cho tư nhân làm và DNNN chỉ thuần túy đầu tư những hạng mục không lợi nhuận, mang tính kết cấu hạ tầng cơ bản thì DNNN sẽ dần bị suy yếu đi. Như vậy, vô hình trung đã “cắt” một phần chức năng của DNNN để giao cho tư nhân, chứ không phải để DN tư nhân cùng thực hiện chức năng đó.

Không có thực quyền kinh doanh

Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, CIEM Phạm Đức Trung nhận xét, Luật DN quy định DNNN có đầy đủ quyền như công ty TNHH một thành viên tư nhân, nhưng trong thực tế, quyền tự chủ bị đủ thứ bó buộc, hạn chế. Đó là vì DNNN phải xin ý kiến nhiều cơ quan nhà nước, do cơ chế đặc thù về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, dẫn tới chính cơ quan này quyết định vấn đề kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, DNNN cũng phải chịu ràng buộc về bổ nhiệm người quản lý, lao động, tiền lương và quản lý tài chính, nợ không quá ba lần vốn chủ sở hữu; không được đầu tư ngoài ngành, phải xin ý kiến của nhiều cấp, nhiều cơ quan trong quyết định dự án đầu tư, kể cả dự án tự vay, tự trả.

Một trong những cơ chế trói buộc quyền kinh doanh của DNNN hiện nay là cơ chế tiền lương. Thực tế, so với thị trường lao động, mức lương bình quân trong DNNN không thấp, nhưng bất cập ở chỗ, tổng quỹ lương cao lại chi trả kiểu cào bằng, nhân sự giỏi không có thu nhập tương xứng. Đầu năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quyết định tăng lương cho thợ lò thêm 5% nhằm thu hút và giữ chân người lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Bằng cơ chế này, lần đầu tiên, lương bình quân của cán bộ, công nhân TKV mới vượt ngưỡng 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, so với trước đây, sức hấp dẫn của nghề mỏ đã giảm sút mạnh, TKV đang đối diện “làn sóng” thợ lò bỏ việc. Chủ tịch HĐTV HUD Nguyễn Việt Hùng trải lòng: “Muốn DNNN hoạt động hiệu quả, giải pháp căn cơ nhất chính là phải có cơ chế tiền lương phù hợp. Nhiều cán bộ cấp ban của chúng tôi, lương chỉ quanh quẩn 10 triệu đồng/tháng. Thử hỏi, được DN tư nhân mời sang làm việc ở vị trí đứng đầu một công ty, thu nhập 300 đến 500 triệu đồng/tháng, ai có thể từ chối? Với chính sách lương cào bằng thế này, chúng tôi không có cách gì động viên anh em ở lại và cũng không sa thải được người trì trệ”. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành cho hay, một phi công lái chính máy bay thông thường như Airbus A320, A321, cần đào tạo cơ bản ít nhất ba đến bốn năm, còn lái máy bay cỡ lớn như Airbus A350, Boeing 787, cần bảy đến tám năm. Gần đây, khi một số hãng bay mới gia nhập thị trường, đã xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” phi công, kỹ sư máy bay của VNA. Bất hợp lý và đáng báo động ở chỗ, có một đội bay bị hãng khác “câu” mất tới 30% số nhân sự. Không DN nào yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy. Dù là công ty cổ phần, nhưng bản chất VNA vẫn hoạt động theo quy định của DNNN. Tổng quỹ lương từ lao động đặc thù đến lao động thông thường đều phải áp dụng đúng chính sách quy định, kể cả trong trường hợp DN có năng lực tài chính, cũng không thể linh hoạt tăng lương. Lãnh đạo nhiều DNNN kiến nghị, Nhà nước cần “mở nút thắt” về cơ chế tiền lương, giúp DN chủ động hoàn toàn về chính sách nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho đào tạo cũng như giữ chân nguồn lực chất lượng cao. Bộ luật Lao động và các luật chuyên ngành cần được rà soát và điều chỉnh phù hợp, chặt chẽ nhằm bảo đảm DN cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các DNNN đều rất tâm tư vì bản thân họ đã rất nỗ lực đưa DN phát triển, có những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, nhưng cái nhìn của dư luận về DNNN lại không mấy thiện cảm, ảnh hưởng đến cả tinh thần và vật chất của DN. Dường như DNNN làm ăn kém hiệu quả đã được “mặc định” trong quan niệm xã hội dẫn đến thật khó để có sự đánh giá, nhìn nhận khách quan. Các nhà kinh tế, nghiên cứu, cũng cảm nhận quá trình tự chủ của DNNN bị hạn chế hơn so các loại hình DN khác trong bối cảnh phải tăng cường giám sát, quản lý DNNN. Việc xử lý các DNNN hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước đang ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình chung, khiến hoạt động của DNNN trở nên kém sôi động. Trong khoảng hai đến ba năm trở lại đây, không có dự án lớn nào của DNNN được phê duyệt đầu tư, tạo sức lan tỏa cho các thành phần kinh tế khác. Một mặt, điều đó phản ánh sự quản lý chặt chẽ, giảm bớt rủi ro, ngăn ngừa thất thoát, sai phạm đối với tài sản nhà nước đầu tư tại DN, nhưng mặt khác, lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước những năm tới.

Là người có quá trình 20 năm nghiên cứu và tham gia đổi mới DNNN, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng phải thốt lên: “Cơ chế quản lý DNNN vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty quy mô tỷ USD mà thu nhập chỉ hơn 30 triệu đồng/tháng, trong khi lương của nhân viên có thể trả một, hai trăm triệu đồng thì không thể hiểu được. Trên thế giới không ai quản trị DN như thế!”.

Với cơ chế quản lý, giám sát DNNN hiện nay, việc xem xét hiệu quả hoạt động của DNNN không dựa trên tổng thể, mà chỉ đánh giá đơn lẻ từng dự án. Ngay khi báo cáo tài chính hợp nhất cả năm thể hiện lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ cần một dự án thua lỗ là lập tức chuyển tốt thành xấu và kiểm điểm lên xuống, quy trách nhiệm đủ thứ. Những áp lực này khiến người đứng đầu DNNN chùn bước, không thể mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cốt tử khiến những “con đại bàng” DNNN chỉ bay là là mặt đất, không dám vượt lên, phát triển bứt phá.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26 và 27-6-2019.

* Bài 4: Cần bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước

* Bài 2: Khó khăn bủa vây

* Bài 1: Trăn trở vai trò dẫn dắt