Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng nền kinh tế với vai trò là một trong ba trụ cột chính. Tuy nhiên, sự thua lỗ, đổ vỡ gần đây ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ đã gây nên những thành kiến của xã hội về khu vực DNNN nói chung.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh tốt trong môi trường quốc tế.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh tốt trong môi trường quốc tế.

Hoàn cảnh lịch sử đang đặt DNNN trước bước ngoặt lớn: phải đẩy mạnh tái cơ cấu để phát triển đột phá, giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội như mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII.

Bài 1: Trăn trở vai trò dẫn dắt

Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, DNNN luôn là lực lượng vật chất quan trọng, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ðồng thời có đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Song, nếu so với sứ mệnh được giao, nguồn lực được nắm giữ, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp (DN) này vẫn là điều cần bàn.

Vị thế những "đầu tàu"

Trong các diễn đàn kinh tế của Việt Nam gần đây, người ta hay nhắc đến tên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), không chỉ bởi dấu mốc 30 năm thành lập mà do kỳ tích biến mình từ vô danh thành "người khổng lồ" về công nghệ. Tiền thân là Công ty Sigelco (thành lập năm 1989) tổng tài sản chỉ vài tỷ đồng, chuyên dựng cột, kéo cáp viễn thông, đầu năm 2019, Viettel đã trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, được định giá hơn 4,3 tỷ USD. Cuộc chuyển đổi lớn lần thứ tư của Viettel đang diễn ra trong hai năm 2019-2020, khi tiên phong thực hiện chuyển đổi số, bắt kịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ - kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số một tại Việt Nam về viễn thông công nghệ cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Viettel là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, xây dựng tập đoàn trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là niềm tự hào Việt Nam. Ðiều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng sống động cho hiệu quả và vai trò quan trọng của DNNN trong những lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa tan quan niệm DNNN khó có thể làm ăn hiệu quả.

Ðóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, luôn có vai trò quan trọng của ngành dệt may, trong đó nòng cốt là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2018, xuất khẩu dệt may thu về hơn 36 tỷ USD (trong đó xuất siêu 17,8 tỷ USD), chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai trên thế giới. Không những thế, dệt may còn đứng đầu về sử dụng lao động, tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường tự hào cho biết: Từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Vinatex luôn giữ vai trò nòng cốt trong định hướng thị trường và đầu tư cho các DN thành viên. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn là cầu nối, tham gia tham vấn cho Chính phủ về định hướng mục tiêu, triển khai các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới. Cạnh tranh chính là động lực thúc đẩy DN dệt may trưởng thành. Sau 20 năm phát triển, quy mô của ngành dệt may đã đủ lớn, không còn là "thuyền tre trước sóng dữ" nữa.

Trong số những DN Việt Nam có thể "ăn cùng bát, ngồi cùng mâm" với đối tác toàn cầu, có thể kể đến Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của VNA đạt 2.418 tỷ đồng, vượt 23,4% so kế hoạch đề ra. Trong hai năm 2018 - 2019, lợi nhuận kinh doanh của VNA chủ yếu từ hoạt động kinh doanh "lõi" là vận tải hàng không và thu cổ tức từ các công ty con nằm trong dây chuyền. Với vị thế hãng hàng không quốc gia, VNA đã trở thành hãng hàng không có uy tín, tầm cỡ trong khu vực nhờ thế mạnh về đội tàu bay mới và hiện đại, tiên tiến nhất thế giới cùng mạng bay rộng khắp. Trong triển lãm hàng không Paris Air Show mới đây, Tổ chức Skytrax (Vương quốc Anh) đã trao tặng VNA chứng chỉ Hãng hàng không quốc tế 4 sao năm thứ tư liên tiếp về cải tiến chất lượng dịch vụ. Với kết quả này, VNA tiếp tục khẳng định dịch vụ ngang hàng các hãng bay có chất lượng hàng đầu quốc tế như Air France (Pháp), British Airways (Anh), Emirates (UAE),… góp phần nâng tầm vị thế của hàng không Việt Nam trên bản đồ hàng không thế giới. Từ năm 2015 đến nay, VNA đã mở rộng đội máy bay thân rộng với 14 chiếc Airbus A350-900 XWB và 11 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner. Dự kiến trong năm nay, hãng sẽ tiếp tục nhận những chiếc Boeing dòng 787-10 đầu tiên, đồng thời nâng cấp đội tàu bay thân hẹp 20 chiếc Airbus A321neo. Hiện nay, VNA đang nằm trong tốp 20 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) có giá trị vốn hóa lớn nhất, tỷ lệ cổ phiếu HVN giao dịch tự do lớn hơn 5%, cổ phiếu có tính thanh khoản tốt, công bố thông tin minh bạch, kịp thời, chính xác.

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo Bộ Tài chính, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, số thu nộp ngân sách và thu nhập của người lao động tăng lên. Mùa đại hội cổ đông năm nay, tiếp tục có thêm nhiều DNNN giữ cổ phần chi phối sản xuất, kinh doanh tốt, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Ðánh giá chung về hiệu quả hoạt động của DNNN, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Ðặng Quyết Tiến cho biết, số DN làm ăn thua lỗ đã giảm nhiều, không phát sinh mới DN thua lỗ lớn như trước năm 2012. Phần lớn DNNN đều có lợi nhuận, một số đã thể hiện rõ nét vai trò "đầu tàu" dẫn dắt nền kinh tế như Viettel, VNA,… DNNN vẫn duy trì đóng góp khoảng 26 - 28% tăng trưởng kinh tế (GDP), là nguồn thu lớn của NSNN (chiếm 24,82% tổng cân đối thu NSNN năm 2016) mặc dù số lượng giảm mạnh qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa.

Tuy nhiên, ông Tiến khá trầm ngâm khi soi lại những kết quả mà khu vực DNNN đạt được, so với sứ mệnh được giao trong suốt giai đoạn vừa qua. "Về cơ bản, DNNN vẫn thực hiện được những nhiệm vụ chủ yếu nhưng hiệu quả chưa cao, không bật lên được và chưa thể nói là làm tốt", ông Tiến chia sẻ. So với tổng nguồn vốn của toàn bộ DN Việt Nam, DNNN đang nắm giữ 91% vốn trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 80% trong lĩnh vực thông tin - truyền thông; 79% trong khai khoáng; 65% trong cung cấp nước, xử lý nước thải; 57% trong tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và 43% trong nông, lâm nghiệp và thủy sản,... Tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN tính đến thời điểm đầu năm 2018 là 1,371 triệu tỷ đồng; tổng tài sản đạt hơn ba triệu tỷ đồng. Từ khối tài sản đó, khu vực DNNN tạo ra tổng doanh thu hơn 1,6 triệu tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 167,5 nghìn tỷ đồng, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách 219 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), khu vực DNNN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung. Ðể tạo ra giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân. Một nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN, tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của khu vực này cao hơn mức bình quân chung của DN thuộc các thành phần kinh tế nhưng lại phụ thuộc vào một số tập đoàn, tổng công ty lớn, hoạt động trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp. Ba tập đoàn kinh tế lớn, gồm Viettel, Ðiện lực Việt Nam và Dầu khí Việt Nam hiện chiếm hơn 50% doanh thu và lợi nhuận cũng như mức đóng góp tổng ngân sách của khối DNNN. Ở các ngành có tính cạnh tranh cao như xây dựng, thương mại, công nghiệp chế tạo, hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ nhiều nhược điểm của các DN này. Do đó, số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của DNNN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang phân tích: Ba trụ cột của nền kinh tế, gồm DNNN, DN tư nhân và DN FDI đang phát triển tương đối đồng đều, xét ở quy mô đóng góp vào GDP. Nhưng hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội và hiệu quả hoạt động thì khác nhau. Cụ thể, hiện nay, DNNN đóng góp gần 40% vào GDP, 60% còn lại của GDP là đóng góp từ DN tư nhân và DN FDI, mỗi bên gần 30%. Nhưng về sử dụng nguồn lực xã hội, khoảng 60% nguồn lực đang tập trung cho DNNN. Tức là trong 100 đồng tín dụng cho vay, DNNN vay 60 đồng song chỉ làm ra 40% GDP, các thành phần còn lại vay 40 đồng, làm ra 60% GDP. Con số này cho thấy khu vực DNNN sử dụng vốn chưa hiệu quả. Xét về hiệu quả đóng góp vào NSNN, 5 tháng đầu năm 2019, DNNN đóng góp 12,6% vào NSNN, DN FDI đóng góp hơn 15% và DN tư nhân đóng góp hơn 17%. Như vậy, đánh giá ở cả ba tiêu chí gồm: tham gia GDP, sử dụng nguồn lực xã hội và đóng góp vào NSNN đều cho thấy, hiệu quả của DNNN ngày càng giảm, cho nên yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu DNNN, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, và chủ trương này đã được Ðảng đặt ra từ lâu.

(Còn nữa)

* Bài 4: Cần bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước

* Bài 3: “Cởi trói” cho doanh nghiệp

* Bài 2: Khó khăn bủa vây

Ðến năm 2018, cả nước có khoảng 490 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có sáu tập đoàn kinh tế, 55 tổng công ty, chín công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các DNNN hoạt động trong 11 lĩnh vực, giảm mạnh so với hơn 60 lĩnh vực (năm 2001), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu. Về hiệu quả, khối các tập đoàn, tổng công ty có tổng tài sản 2,776 triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1,227 triệu tỷ đồng; đạt doanh thu 1,455 triệu tỷ đồng; lợi nhuận 154,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm 2017 là 10,4%.

(Nguồn: Bộ Tài chính)