Tìm hướng xử lý đất thải nông nghiệp ở đảo Lý Sơn

NDO -

NDĐT - Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích nhỏ hẹp trong khi đặc thù sản xuất nông nghiệp lại phát sinh lượng đất thải rất nhiều dẫn đến tình trạng người dân đổ ra lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, nhất là việc phát triển du lịch, dịch vụ trên đảo.

Chất thải nông nghiệp đổ tràn ra đường ở Lý Sơn.
Chất thải nông nghiệp đổ tràn ra đường ở Lý Sơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương, toàn huyện có hơn 22.000 người, chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp. Trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích đất 335 ha.

Với đặc thù canh tác nông nghiệp ở Lý Sơn mỗi mùa vụ trồng trọt, trong quá trình làm đất sản để xuất hành, tỏi, nông dân phải cào hết lớp cát cũ dày khoảng 0,5- 1cm thay vào đó dùng một lớp cát trắng (sử dụng cát san hô khai thác dưới đáy biển) phủ lên diện tích đất canh tác. “Để hành, tỏi Lý Sơn phát triển tốt, cho năng suất cao, hương vị thơm ngon đặc trưng, bắt buộc phải thay lớp cát mới để cải tạo đất. Đây là cách làm truyền thống từ bao đời nay của nông dân trên đảo”, ông Võ Tiến, một nông dân ở xã An Hải cho biết.

Việc lớp cát cũ thay ra không thể sử dụng được nên nông dân Lý Sơn phải thu gom, vận chuyển đi đổ bỏ. Những năm trước đây, do huyện đảo Lý Sơn chưa quy hoạch bãi thải nên sau khi cải tạo đất trồng hành, tỏi thì lượng đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân không biết xử lý như thế nào đành phải đổ ra môi trường xung quanh và đổ ra lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông.

Với quyết tâm xây dựng đảo Lý Sơn - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trở thành đảo xanh, sạch, đẹp nhằm thu hút du khách, từng bước đưa ngành du lịch, dịch vụ phát triển, tháng 6.2017, thực hiện thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn, UBND huyện đảo Lý Sơn đã phê duyệt phương án thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó quy hoạch, cắm biển vị trí đổ đất thải nông nghiệp gần khu vực sản xuất cho nhân dân hai xã An Vĩnh, An Hải gồm 26 điểm với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.300 m2.

Cùng với việc quy hoạch các điểm đổ thải đất nông nghiệp, các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể ở huyện đảo Lý Sơn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân đổ đất thải nông nghiệp đúng nơi quy định, cam kết không đổ bừa bãi, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với các biện pháp trên, tình trạng đổ đất thải nông nghiệp “bạ đâu, đổ đó” trên đảo Lý Sơn giảm rõ rệt, nhiều hộ nông dân ý thức được việc đổ đất thải đúng nơi quy định. Nhờ đó, cảnh quan môi trường ở Lý Sơn từng bước sạch đẹp, thông thoáng, được du khách khen ngợi.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau nhiều tháng “đường thông, hè thoáng”, đến tháng 8 vừa qua, khi cải tạo đất để sản xuất vụ hành thì nạn đổ đất thải nông nghiệp bừa bãi ở đất đảo lại tái diễn. Nhiều tuyến đường giao thông, hai bên đường trở thành nơi tập kết đất thải, đầy rẫy từng đống to, nhỏ kéo dài hàng chục mét. “Trên tuyến đường chính đi đến di tích quốc gia chùa Hang, hàng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại nhưng đất thải nông nghiệp đổ tràn ra đường, gây cản trở giao thông và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rất nguy hiểm!”, ông Nguyễn Văn Tình, một du khách đến từ TP Đà Nẵng phàn nàn.

Lý giải việc nông dân đất đảo tái diễn nạn đổ đất thải nông nghiệp tràn lan, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, ước tính lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ thải tập trung của huyện khoảng 10.200 m2/năm, trong khi đó diện tích đảo nhỏ hẹp nên tại các vị trí quy hoạch đổ đất thải hầu như đã lấp đầy. “Hiện việc tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn cũng như việc xử lý khối lượng đất thải này gặp nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương nói và cho biết thêm: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri huyện Lý Sơn đề xuất ý kiến cho dân đổ đất thải trực tiếp xuống biển để giảm thiểu tình trạng đổ ra môi trường xung quanh và đổ ra lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện, góp phần phát triển du lịch, đồng thời để có lượng cát tái tạo, khai thác.

Mới đây, UBND huyện đảo Lý Sơn đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho ý kiến tham vấn về việc người dân Lý Sơn xin được đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển để có cơ sở trả lời ý kiến cử tri. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định hiện hành.

Rõ ràng, tình trạng nông dân đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bừa bãi như hiện nay ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Lý Sơn đang chung tay xây dựng và phát triển. Do vậy, việc tìm hướng xử lý căn cơ vấn đề chất thải nông nghiệp là bài toán đang đặt ra cho chính quyền huyện đảo cũng như sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần sớm ưu tiên giải quyết để đất đảo hùng binh tiến tới mục tiêu “Vì một Lý Sơn xanh, sạch, đẹp”.

Liên quan đến kiến nghị của UBND huyện đảo Lý Sơn về việc người dân xin được đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển, sau khi tham vấn ý kiến các sở, ngành chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản phúc đáp. Nội dung văn bản nêu rõ: Hiện nay, trong quá trình trồng hành, tỏi, nông dân Lý Sơn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng nên nguy cơ dư lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lưu trong đất thải. Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sau mỗi lần thay đất, đề nghị UBND huyện đảo Lý Sơn cần kiểm soát, quản lý, thu gom toàn bộ lượng đất thải, đồng thời phân tích, đánh giá dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong đất, nếu các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép có thể tận dụng san lấp mặt bằng công trình xây dựng hoặc đổ thải tại những vị trí phù hợp. Trường hợp các chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép thì phải có biện pháp thì phải có biện pháp xử lý triệt để dư lượng các loại hóa chất trước khi tận dụng hoặc đổ thải. Về lâu dài, đề nghị UBND huyện đảo Lý Sơn tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí đổ đất thải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo quy hoạch xây dựng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.