Tiền Giang phát triển vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Tiền Giang đang triển khai dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 2.332 tỷ đồng tại 13 xã thuộc bốn huyện trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh. Mục tiêu của dự án là đào tạo được ít nhất 100 cán bộ ngành nông nghiệp, hợp tác xã; nông dân được tiếp cận và có kiến thức, kinh nghiệm trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa gạo.

Nhà văn hóa thôn Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang).Ảnh: THANH PHÚC
Nhà văn hóa thôn Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang).Ảnh: THANH PHÚC

Có 13 đơn vị kinh tế hợp tác và khoảng 7.000 nông dân được tiếp nhận và vận hành phương pháp quản lý sản xuất lúa thông minh qua phần mềm ứng dụng thông minh, các thiết bị cảm biến, hiện đại, tiến tới hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất với sản lượng lúa hàng hóa 50.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm gia tăng và lợi nhuận tăng thêm 30% so sản xuất bình thường.

Để dự án thành công, tỉnh đầu tư nhiều thiết bị như: cảm biến đo mực nước lắp trên kênh nội đồng, bộ cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ, hệ thống điều khiển bơm tự động, trạm điều phối nước vào/ra giữa kênh nội đồng và ruộng...

Trong phạm vi của dự án, tỉnh triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác kết nối với thu hút đầu tư của doanh nghiệp, quản lý tốt vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn xây dựng nông thôn mới; có chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xúc tiến thương mại, gắn kết đầu vào với giải quyết đầu ra theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ nông sản hàng hóa.

* Tuyên Quang không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 57% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên gấp 1,5 lần so năm 2020.

Để thực hiện được các mục tiêu này, tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nhân dân xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, xuyên suốt; đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới phải gắn cơ cấu lại nông nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới.

Các cấp ủy, chính quyền tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tập trung thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Các địa phương tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án…

10 năm qua, tỉnh huy động được hơn 14.729 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 853 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.181 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp). Toàn tỉnh hiện có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,26% (dự kiến hết năm 2019 có thêm sáu xã); một trong số bảy huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.