Thủ tướng kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Ninh Bình

NDO -

Ngày 12-7, tại TP Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình. Đây là chương trình kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đầu tiên của Thủ tướng và các bộ với địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Ninh Bình cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020; đánh giá cao tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hoan nghênh tỉnh cam kết tiếp tục giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển thêm vốn. Với mức giải ngân này, Thủ tướng đánh giá đây là điểm sáng của Ninh Bình nửa đầu năm nay, đưa Ninh Bình trở thành một trong những địa phương nhóm đầu cả nước về giải ngân, xếp thứ 3 trong số các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao HĐND tỉnh đồng hành với UBND tỉnh tiến hành nhiều cuộc họp thay vì chỉ họp định kỳ để kịp thời đưa ra những quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động trong giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm với lãnh đạo cấp huyện, thành phố với công tác này, giúp giải phóng mặt bằng nhanh hơn. Cho rằng đây là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương, bởi giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công hiện nay bị chậm, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần là địa phương nào không thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn vốn sẽ được điều chuyển sang địa phương khác.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đánh giá, Ninh Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, là nền tảng cho phát triển thời gian tới. Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức trong phát triển đối với Ninh Bình để nhận thức rõ và có hướng khắc phục thời gian tới.

 Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong năm nay. Do đó, trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, trong đó, có Ninh Bình, là phải đóng góp vào thực hiện mục tiêu chung của cả nước. Ninh Bình phải trở thành tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh của Bắc Bộ và cả nước, một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư và du khách, với cách làm sáng tạo và đổi mới, yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Chính vì vậy, Ninh Bình cần có chiến lược tổng thể, có tầm nhìn xa, có chiều sâu chuyên môn, có cả nông nghiệp, du lịch, công nghiệp. Quy hoạch để phòng, chống thiên tai, quy hoạch không cản trở mà phải hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển với kinh tế đô thị, nông thôn mới bền vững. 

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Nghị quyết 01 Chính phủ 2020, đặc biệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đầu nhiệm kỳ; phải tập trung quan tâm hơn nữa vấn đề quy hoạch vùng, quốc gia, không chồng lấn, phá vỡ, đặc biệt là phải chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Để tạo động lực phát triển, Thủ tướng cũng đề nghị Ninh Bình tập trung cho công tác chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, thanh toán điện tử, phát triển các dịch vụ công trực tuyến; coi đô thị hóa, kinh tế nông thôn mới với môi trường sạch, sinh thái tốt là động lực phát triển. Cùng với phát triển du lịch thì cần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo thuận lợi phát triển nội địa hóa công nghiệp ô tô, phát triển các ngành công nghệ cao bảo vệ môi trường, Thủ tướng mong muốn Ninh Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, tiến tới tỉnh nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển nông nghiệp sạch, đa chức năng, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng mong muốn ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tới, Ninh Bình sẽ tự cân đối được ngân sách, tiến tới đóng góp vào ngân sách T.Ư.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình. 

* Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, tuy chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, song kinh tế Ninh Bình vẫn tăng trưởng khá: GRDP sáu tháng đạt 3,85%; sản xuất nông nghiệp được mùa, đã sớm hỗ trợ chuyển đổi sản xuất chăn nuôi, tổ chức tái đàn và hỗ trợ ngân sách hai triệu đồng/lợn nái nuôi mới; đã cơ bản hoàn thành mục tiêu 7 xã nông thôn mới, năm xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng 9%; đạt 48% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 0,6%; đăng ký thành lập mới 402 DN với tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng (giảm 29 DN; giải thể là 51 DN, 135 DN tạm dừng hoạt động; 113 DN hoạt động trở lại. Ninh Bình cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công...

 * Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hai gia đình chính sách trên địa bàn: thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Phi có hai con là liệt sĩ tại xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình; thăm và tặng quà ông Nguyễn Hùng Tiến, thương binh 81% tỉnh Ninh Bình.