Thái Nguyên mở hướng phát triển kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân những năm qua đã đóng góp một phần hết sức quan trọng đối với kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, thành phần này còn phát triển tự phát, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương, dễ bị tổn thương trước những cú sốc, bất ổn của thị trường. Sau đại dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, mở hướng để kinh tế tư nhân vươn dậy.

Dây chuyền dệt vải chuyên dùng may bao bì của Công ty TNHH Anh Dương (huyện Ðại Từ).
Dây chuyền dệt vải chuyên dùng may bao bì của Công ty TNHH Anh Dương (huyện Ðại Từ).

Ðóng góp lớn cho tăng trưởng

Nhờ tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên - khoáng sản, giữ vị thế trung tâm các tỉnh miền núi phía bắc và được tạo điều kiện thuận lợi, những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân đứng chân tại tỉnh Thái Nguyên đã tạo dựng được vị thế khá vững chắc, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh đã đầu tư Nhà máy Nhiệt điện An Khánh với số vốn 4.700 tỷ đồng, công suất 120 MW, đưa vào vận hành từ năm 2015, mỗi năm hòa lưới điện quốc gia gần một tỷ kW giờ điện, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 500 người. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Giai đoạn 2010- 2015, đất nước thiếu điện, nếu không có môi trường đầu tư thuận lợi, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của DN thì Nhà máy Nhiệt điện An Khánh rất khó hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Khai thác tối đa lợi thế địa phương, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo ra đời, liên kết đầu tư khoảng một tỷ USD thực hiện dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo trữ lượng khoảng 66 triệu tấn; xây dựng, quản lý, vận hành các nhà máy hiện đại chế biến vôn-phram, phlo-rít, bi-xmút. Núi Pháo là DN sản xuất vôn-phram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm công nghệ cao phục vụ các ngành vũ trụ, tàu bay, công nghiệp ô-tô, máy tính, doanh thu gần 6.000 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách 1.200 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 người, trong đó 70% là người địa phương. Gần đây, Núi Pháo đã mua hết cổ phần của đối tác nước ngoài để sở hữu toàn bộ dự án, thời điểm cao nhất có 300 chuyên gia nước ngoài làm việc, nay giảm còn 80 người, do các kỹ sư của công ty đã làm chủ nhiều công đoạn, quy trình đòi hỏi kỹ thuật cao. Chính quyền địa phương đã định hướng phát triển, hình thành sáu DN chuyên sản xuất bao bì, vận tải, giá gỗ kê hàng, hậu cần cho Núi Pháo, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động địa phương trong diện giải phóng mặt bằng. Từ một DN nhỏ, Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG đã trở thành đơn vị may mặc xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với hơn 16 nghìn cán bộ, công nhân. Với quan điểm “ly nông bất ly hương”, công ty đã xây dựng nhà máy ở tất cả các huyện và thị xã trong tỉnh nhằm giảm áp lực về nhà ở, đi lại cho công nhân. Khi dịch Covid-19 xảy ra, các DN này đã bảo đảm an toàn, duy trì sản xuất, thu nhập người lao động gần như không thay đổi so trước khi có dịch.

Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được trợ lực để phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm có khoảng 350 DN thành lập mới. Trong quý I vừa qua, dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng vẫn có 195 DN ra đời, nâng tổng số DN toàn tỉnh lên gần 7.000, vốn đăng ký gần 100 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020 là 238 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh tế tư nhân đầu tư 97 nghìn tỷ đồng (chiếm 41%), góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của tỉnh với bình quân 5 năm qua đạt hơn 11%/năm, nộp ngân sách hơn 15,5 nghìn tỷ đồng (gấp 2,1 lần so năm 2015), năm 2019 thu nhập bình quân đạt 83 triệu đồng/người, mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 21 nghìn lao động,…

Gỡ khó để phát triển

Mặc dù đóng góp lớn đối với kinh tế - xã hội, song kinh tế tư nhân ở Thái Nguyên phát triển chưa đồng đều ở các ngành, lĩnh vực (chủ yếu trong ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng), quy mô nhỏ, chỉ chiếm gần 2% tỷ trọng xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị còn thấp và dễ bị tổn thương do các yếu tố khách quan, nhất là dịch bệnh vừa qua. Riêng trong quý I, gần 400 DN giải thể, ngừng hoạt động, hơn 10 nghìn lao động mất việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp giảm gần 4%, xuất khẩu giảm 16%, nhập khẩu giảm 8,3%; các DN du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, lượng khách đến tỉnh chỉ bằng 30% so cùng kỳ, 32 DN lữ hành, 479 cơ sở lưu trú bị hủy tua du lịch; DN vận tải bị thiệt hại nặng nề. Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan có 300 xe ô-tô vận chuyển hành khách, tổng số 560 cán bộ, lái xe. Khi dịch Covid-19 lây lan, doanh thu của DN này giảm mạnh, toàn bộ ô-tô ngừng lăn bánh khi thực hiện giãn cách xã hội, đội ngũ cán bộ, lái xe, nhân viên đều phải nghỉ việc, không có thu nhập. Giám đốc Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: “Dịch Covid-19 làm chúng tôi bị thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày, chất lượng xe giảm do không lăn bánh, người lao động mất việc làm. Rất may là từ tháng 4 được giãn, hoãn, chậm trả lãi ngân hàng, chậm nộp bảo hiểm trị giá gần mười tỷ đồng mỗi tháng để khôi phục hoạt động”.

Ngay từ cuối tháng 3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; ban hành chỉ thị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, cán bộ, công chức không được nhũng nhiễu, các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận các nguồn lực. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết: “Tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, từ rất sớm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội hoãn, giãn các nghĩa vụ tài chính; các ngân hàng cơ cấu nợ, gia hạn trả gốc và lãi, giảm lãi suất để giúp DN khắc phục khó khăn. Là một trong những trung tâm may mặc lớn, tỉnh đã sớm kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ chống dịch khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng đủ để DN không phải dừng hoạt động, giữ ổn định việc làm cho người lao động”. Tiếp theo đà, các sở, ngành chức năng cũng khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ để DN, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn. Cục Thuế tỉnh đã gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho gần 1.400 DN với số tiền gần 400 tỷ đồng, hiện tiếp tục rà soát để miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với các DN còn lại và hơn 16 nghìn hộ kinh doanh. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương hỗ trợ người lao động có hợp đồng bị mất việc, giúp DN giữ chân người lao động; các ngân hàng thương mại, Bảo hiểm xã hội tỉnh phải tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với DN. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Thái Nguyên Phạm Duy Hùng cho biết: “Tỉnh đang ráo riết chỉ đạo rà soát từng dự án đầu tư công để tháo gỡ vướng mắc, điều chuyển vốn các dự án chậm triển khai hoặc chưa cấp thiết nhằm giải ngân hết số vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng năm 2020 để vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa kích cầu tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài ra, hỗ trợ các dự án ngoài ngân sách, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”. Những năm gần đây, chỉ số cải cách hành chính của Thái Nguyên liên tục duy trì ở mức cao; chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019 của tỉnh xếp thứ 12, tăng sáu bậc so với năm trước, thời gian cấp đăng ký kinh doanh, thành lập DN giảm còn hai ngày,... Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Bên cạnh khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, kinh tế tư nhân trên địa bàn, nhất là DN nhỏ còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn lực về tài chính, tài nguyên,... Hộ kinh doanh chưa muốn thành lập DN do đầu ra cho sản phẩm không ổn định, sợ bị thanh tra, kiểm toán gây phiền nhiễu”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ, hộ kinh doanh tham gia thị trường, bình đẳng tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, bảo hiểm rủi ro, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường đối thoại, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp. Vai trò của Hiệp hội DN, các hội DN cần được phát huy để thật sự trở thành cầu nối giữa DN với chính quyền địa phương. Bản thân các DN cũng cần chủ động, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm của nhau; giới doanh nhân cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạo đức kinh doanh để phát triển bền vững.