Tạo thế và lực mới phát triển khu công nghiệp (Tiếp theo) (*)

Bài 2: Những băn khoăn cần lời giải

Một thời, nhiều địa phương có "hội chứng" đua nhau làm khu công nghiệp (KCN), kể cả những nơi còn thiếu thốn các điều kiện tối thiểu. Hàng nghìn héc-ta đất lúa bờ xôi ruộng mật bị thu hẹp, nhường chỗ cho các KCN mọc lên tràn lan. Những con số đồ sộ, hào nhoáng về thu hút vốn ở nhiều địa phương đôi khi chỉ có tác dụng trang trí cho bản báo cáo tổng kết. Ðể cạnh tranh đầu tư, một số tỉnh đã "xé rào", ban hành nhiều chính sách trải thảm đỏ ưu đãi bằng mọi giá, gây tác động tiêu cực cho người dân và làm bóp méo nền kinh tế quốc gia.

Ở các địa phương, hạ tầng xã hội không được đầu tư đồng bộ với phát triển KCN, gây nhiều hệ lụy, bất cập. Trong ảnh: Một phòng trọ cho công nhân nhập cư tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị x
Ở các địa phương, hạ tầng xã hội không được đầu tư đồng bộ với phát triển KCN, gây nhiều hệ lụy, bất cập. Trong ảnh: Một phòng trọ cho công nhân nhập cư tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị x

Lãng phí đất đai

Trong khoảng 5 năm đầu phát triển (1992-1997), cả nước có khoảng 40 KCN, sau khi Nghị định 36/CP ban hành ngày 24-4-1997 của chính phủ về Quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đã xuất hiện "phong trào" làm KCN ở các tỉnh, thành phố. Sự thuyết trình các dự án KCN bằng áp lực hành chính và con số tưởng tượng ra đã lấn át những thửa đất bờ xôi, ruộng mật của người dân. Ðến cuối năm 1997, cả nước có gần 100 KCN được thành lập, bất chấp cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, yêu cầu các địa phương cần cân nhắc kỹ khi thành lập các KCN mới có quy mô lớn, làm rõ việc thực hiện thu hút đầu tư, khi đã cho thuê lại được ít nhất 50% tổng diện tích đất trong các KCN cũ thì mới thành lập KCN mới.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, dịch vụ là bài toán có nhiều đáp án, cả những ẩn số không thể không quan tâm. Về tương lai lâu dài, 1 ha đất công nghiệp với công nghệ trung bình, không hiệu quả bằng sản xuất nông nghiệp với công nghệ trên trung bình. Các KCN mọc lên ở hầu khắp các địa phương, hệ quả để lại là ô nhiễm môi trường và hàng trăm dự án "treo" gây khốn khó về sinh kế cho nông dân.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, đến tháng 6-2016, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới gần 80 KCN. Các KCN đều được quy hoạch nằm sát sông Tiền và sông Hậu, lấy đi gần 15 nghìn ha cây ăn trái và đất lúa trù phú. Tuy nhiên, diện tích lấp đầy trong các KCN chỉ đạt khoảng 25%, hơn 11.000 ha đất còn lại chỉ để cỏ mọc, thậm chí nhiều KCN không thu hút được dự án đầu tư nào. TP Cần Thơ quy hoạch tám KCN, tổng diện tích 2.267 ha, nhưng mới cho thuê được 567 ha. Qua tìm hiểu, giá thuê đất KCN ở đây bình quân khoảng 80 USD/m2, trong khi những tỉnh ngay cạnh như Vĩnh Long, An Giang, giá cho thuê chỉ bằng một nửa, khiến việc thu hút đầu tư hết sức khó khăn.

Trước khi trở thành KCN, gần 430 ha đất lúa xã Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) vốn là bờ xôi, ruộng mật, có vị trí đắc địa bên bờ sông Cầu và chạy dọc tuyến quốc lộ 1. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang giải phóng 230 ha để thành lập KCN Vân Trung, giao Công ty TNHH Fugiang (Ðài Loan, Trung Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 85 triệu USD, dự kiến thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, sân gôn, khách sạn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, công ty tạm dừng và cho đến giờ, dự án vẫn chỉ nhúc nhắc triển khai cầm chừng. Ðối với sáu KCN trên toàn tỉnh, tổng diện tích hơn 1.500 ha, mặc dù nguồn ngân sách của tỉnh phải bỏ ra rất lớn để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, song do năng lực các nhà đầu tư yếu kém, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 15% đến 20%, gây lãng phí lớn về đất đai. Hiệu quả thu được từ các dự án phát triển KCN cũng rất thấp, quá nhỏ so với những gì địa phương bỏ ra đầu tư, chưa kể đến những tổn thất, lãng phí từ việc đất bỏ hoang và nền công nghiệp không thành hình.

Mong muốn sớm thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, nhiều địa phương đã tỏ ra thiếu thận trọng, nôn nóng mời gọi đầu tư nước ngoài bằng cách nới lỏng các điều kiện, đưa ra những chính sách ưu đãi đặc thù, thông thoáng quá mức. Thậm chí, một số tỉnh còn ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) được miễn giảm thuế hoặc chậm nộp thuế; được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất vốn vay; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc; ưu đãi thuế thu nhập DN, miễn trong ba năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong bảy năm tiếp theo,... Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ý băn khoăn, với ưu đãi "kịch khung, vượt trần" như vậy, không hiểu DN nuôi địa phương hay địa phương đang nuôi DN.

Mọi chuyện chỉ dừng lại khi năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1387/QÐ-TTg, chấm dứt các ưu đãi trái pháp luật, vượt trội so với quy định của T.Ư mà 32 tỉnh, thành phố đã ban hành. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi tràn lan, ủng hộ DN quá mức của các tỉnh, thành phố trước đó đã kịp phát sinh hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tiền trong nước "chảy ngược" ra nước ngoài,... Lợi dụng ưu đãi, một số DN nước ngoài đã đưa dây chuyền sản xuất cũ nát, lạc hậu vào đầu tư. Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, DN vay vốn ngân hàng để triển khai dự án, tài sản bảo đảm là giá trị quyền sử dụng đất và mớ dây chuyền cũ kỹ. Bỗng một ngày đẹp trời, địa phương té ngửa khi phát hiện DN đã cuốn gói bỏ về nước từ bao giờ, để lại một đống sắt hoen gỉ và món nợ khổng lồ.

Hệ lụy về kinh tế và đời sống xã hội

Theo báo cáo của VCCI, trong năm 2017có gần 40% số DN FDI báo lỗ, những địa phương là "điểm sáng" thu hút vốn FDI đồng thời cũng tỷ lệ thuận với số DN kê khai lỗ lên 50% đến 60% kéo dài trong nhiều năm liền. Năm 2010, hơn một nửa số DN ở Bình Dương báo lỗ, trong đó có 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu. Tuy triền miên thua lỗ, nhưng điều lạ lùng là các DN vẫn không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực dệt may, xảy ra một nghịch lý, hầu hết DN may trong nước mặc dù vốn mỏng, thị trường hẹp nhưng đều có lãi, còn 90% số DN FDI ở TP Hồ Chí Minh có quy mô tầm cỡ quốc tế lại có kết quả kinh doanh khá bết bát. Một nghịch lý khác là các DN FDI luôn đứng trong tốp đầu về doanh thu, tỷ trọng xuất, nhập khẩu nhưng thường lẹt đẹt trong nhóm cuối bảng về khoản nộp thuế. Một chuyên gia của Kiểm toán Nhà nước cách đây ít lâu đã nêu tên một số DN FDI lớn như Coca Cola, Metro Việt Nam, Adidas Group, Big C, PepsiCo Việt Nam, Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty điện tử Meiko Việt Nam,... có nghi vấn chuyển giá, do các DN này thông báo lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng đầu tư.

Bên cạnh đó, tính liên kết, tương tác của DN FDI với các khu vực khác trong nền kinh tế rất lỏng lẻo, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ thấp, không đạt mục tiêu kỳ vọng ban đầu. FDI trước đây từng được coi là động lực để kéo nhóm DN khối công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển sản xuất, nhưng thực tế hiện tại cho thấy đây vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. Mỗi năm, nước ta sản xuất từ 3,2 đến 3,5 triệu chiếc xe máy, khoảng 80% linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước nhưng phần lớn do DN FDI đảm nhiệm, trong nước mới cung ứng được ắc-quy, phụ tùng nhựa. Hãng Honda chiếm 60% sản lượng xe máy, có 110 DN vệ tinh cung cấp linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước lọt vào chuỗi. Samsung Việt Nam, một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất với quy mô đầu tư gần 20 tỷ USD, doanh thu hằng năm khoảng 65 tỷ đến 66 tỷ USD, nhưng chỉ có vài chục DN nội địa có thể đáp ứng yêu cầu trở thành đơn vị cung cấp linh kiện, phụ tùng. Tất nhiên, một phần nguyên nhân do lỗi từ phía DN Việt Nam ban đầu không mặn mà với việc cung ứng phụ liệu, linh kiện cho DN FDI.

Ông Nguyễn Phước Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (trong KCN Amata, Ðồng Nai) chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi có ý tưởng vào đầu tư ở Việt Nam, Toshiba đã đưa tiêu chí xây dựng chuỗi nguyên liệu ở Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đến nay đạt 70%. Với đặc thù sản xuất động cơ điện, nguồn nguyên liệu của Toshiba là gang đúc, thép, ban đầu DN tính toán đặt nhà máy sản xuất ở miền bắc - cái nôi của công nghiệp thép, song khi liên hệ, Toshiba không nhận được cái bắt tay nào của DN cung ứng, nên đành chọn Ðồng Nai làm nơi đặt chân.

Thực tế thời gian qua, nhiều DN FDI lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư do vừa có ưu thế về giá nhân công rẻ và ưu đãi vượt khung, đồng thời lại không bị ràng buộc chặt chẽ những điều kiện qua các chuỗi liên kết với DN trong nước. Nếu sau này, khi ưu đãi không còn hấp dẫn, không có gì bảo đảm để giữ được chân nhà đầu tư, họ có thể dễ dàng rời bỏ để tìm những điểm đến ưu đãi hấp dẫn hơn. Trong nhiều năm, nguồn vốn FDI hầu hết chỉ dồn vào dệt may, da giày, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp, thuộc khâu gia công, lắp ráp cuối cùng. Ở khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã hình thành những xóm trọ nhỏ cho công nhân nhập cư làm việc ở Công ty sản xuất da giày Shyang Hung Cheng. Các phòng trọ có diện tích khoảng 12 đến 15 m2, lợp mái tôn hoặc tấm phi-brô xi-măng, buổi chiều nắng xiên khoai nóng hầm hập như cái lò bánh mì.

Tan ca làm gần 5 giờ chiều, chị Bùi Thị Hạnh, quê Hải Hậu (Nam Ðịnh), công nhân bộ phận phun keo của công ty xách mớ rau và lạng thịt, mệt mỏi lê bước về phòng trọ. Với mức lương khoảng 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, sinh hoạt đắt đỏ, hằng năm chị tích cóp chẳng đáng là bao. Nghỉ sinh chưa đầy bốn tháng, dù rất xót con nhưng chị vẫn phải nhờ người trông để đi làm giữ chỗ. Không có thời gian chăm con, đứa bé thiếu sữa, hơn bảy tháng tuổi mà cân nặng chưa đầy 7 kg. Chị bảo, nhiều người như chị sẽ chọn cách bỏ việc về quê cấy lúa, nhưng chị thì không được vì quê chồng không còn ruộng. Những công nhân giày da, may mặc, hầu hết là những cô gái trẻ ở các vùng quê nghèo khó, bỏ đồng ruộng đi làm công nhân, nhưng cả tuổi thanh xuân chỉ được đào tạo duy nhất kỹ năng đứng máy tám đến mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sau dăm bảy năm lao động nặng nhọc, tiếp xúc đủ loại bụi vải, hóa chất độc hại, bị vắt kiệt sức khỏe, họ tính kế về quê, từ công nhân lại thành nông dân, "áo xanh thành áo nâu". Làn sóng hồi hương tuy không dữ dội nhưng cũng đủ sức nặng oằn vai những vùng quê nghèo.

Nếu nghĩ về tương lai xa, khoảng 20 đến 30 năm nữa, các KCN sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, giải tán hoặc chuyển đổi công năng, lúc bấy giờ những công nhân trẻ hiện nay bước vào lứa tuổi ngoài 40. Họ không thể xin vào làm công nhân ở công ty nào nữa, một phần không đủ sức khỏe, mặt khác những DN gia công đơn thuần như hiện nay sẽ bị thanh thải phần lớn, lao động giản đơn như họ không còn phù hợp. Trở về quê, ruộng nương không còn nhiều, sản xuất nông nghiệp lúc đó có thể đã tiến một bước rất xa so với hiện nay, không cần con người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương nữa. Trong tay không nghề nghiệp, không tài sản để dành, mang trong mình nhiều thứ bệnh tật, họ sẽ làm gì và sống ra sao? Ðó sẽ là viễn cảnh đáng băn khoăn suy nghĩ ở nhiều miền quê thời kỳ hậu công nghiệp mà các địa phương cần phải suy nghĩ, tính toán ngay từ bây giờ.

(Còn nữa)

* Bài 1: “Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 13-11-2019.